1
2
3
4

Kinh Phật Dạy Tu Tập Mười Nghiệp Lành

Việt dịch: Thích Trí Thủ

CHƯƠNG I: NGHIỆP-QUẢ THẾ-GIAN VÀ XUẤT-THẾ GIAN

chia làm 5 đoạn

1. TỪ NƠI NHƠN MÀ NÓI ĐẾN QUẢ

Bấy giờ Đức Thế-Tôn bảo Long-vương rằng: “Tất cả chúng sanh vì tâm tưởng khác nhau nên tạo nghiệp khác nhau, do vậy có sự xoay vần trong các thú.

2. TỪ NƠI “QUẢ” MÀ NÓI RÕ “NHƠN”

“Nầy Long-vương! Nhà ngươi có thấy ở trong hội nầy và các loài ở trong đại-hải hình-sắc, chủng-loại mỗi mỗi không đồng nhau không? Tất cả đều do tâm tạo thiện hay ác của thân-nghiệp, khẩu-nghiệp và ý-nghiệp mà gây nên cả”.

3. NÓI RÕ VỀ TƯỚNG CỦA NHÂN

A. Quán tâm vô sanh

“Tâm ấy không có hình sắc, không thể thấy được, chỉ là do các Pháp nhóm họp như huyễn không thật, rốt-ráo không có chủ-tể, không có ngã và ngã-sở”.

B. Quán pháp như huyễn

Tuy đều theo nghiệp, hiện ra không đồng; mà thật trong ấy, không có người tác-giả, nên tất cả các pháp, tự tánh như huyễn, đều là bất khả tư nghị.

C. Khuyên nên tu học.

Kẻ trí-giả biết thế rồi, nên tu thiện-nghiệp; nhờ vậy sanh ra uẩn, xứ, giới v.v… đều được đoan chánh, trông thấy không nhàm chán.

4. ĐEM TƯỚNG CỦA NGHIỆP-QUẢ LÀM CHỨNG

A. Dùng Phật quả làm chứng.

“Nầy Long-vương! Ngươi xem thân của Phật do trăm ngàn ức phước-đức mà sanh ra, các tướng trang-nghiêm, quang-minh chói rạng, phủ tất cả đại-chúng, dù vô-lượng ức các vị Tự-tại Phạm -Vương đều không thể hiển-hiện được. Những ai chiêm-ngưỡng thân của Như Lai, không ai là chẳng chóa mắt.

B. Dùng Bồ-Tát làm chứng.

“Ngươi lại xem đây, các vị Đại-Bồ-Tát diệu sắc trang nghiêm, tất cả đều do tu tập phước-đức thiện nghiệp mà sinh ra.

C. Đem hàng Thiên Long làm chứng

“Lại nữa, các hàng Thiên-Long Bát-Bộ thấy có oai thế lớn lao, cũng nhơn phước-đức của thiện nghiệp mà sanh”.

D. Đem các loài ở biển làm chứng

“Này đây, các chúng-sinh ở trong đại-hải, hình sắc thô xấu, hoặc lớn hoặc nhỏ đều do hết thảy tưởng niệm của tự tâm gây ra bởi thân, ngữ, ý các nghiệp bất thiện, vậy nên tùy theo chỗ gây nghiệp mà tự thọ báo”.

Đ. Kết khuyên tu học

Ngươi nay thường nên tu-học như vậy, cũng khiến chúng sanh rõ thấu nhân quả tu-tập thiện-nghiệp. Ngươi nên ở đây, chánh kiến bất động, chớ đọa trong tà kiến đoạn thường, đối với các phước-điền, hoan hỷ kính nhường. Vậy nên các ngươi cũng được nhơn thiên tôn kính cúng dường.

CHƯƠNG II: THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO

1. CÔNG DỤNG CỦA THIỆN PHÁP

“Long-vương nên biết, Bồ-tát có một phép, dứt tất cả các khổ của đường dữ, pháp ấy là gì? Nghĩa là ngày đêm thường nhớ, suy nghĩ quán sát pháp lành, làm cho các pháp lành, mỗi niệm mỗi tăng trưởng; không cho một hào ly bất thiện xen lẫn vào; tức là hay khiến cho các pháp hằng dứt, thiện-pháp viên-mãn, thường được thân cận các đức Phật, Bồ-tát và các thánh-chúng.

2. GIẢI THÍCH TÊN CỦA THIỆN-PHÁP

“Thiện-pháp là gì? nghĩa là thân của nhơn thiên, đạo Bồ-Đề của Thanh-văn, đạo Bồ-Đề của Độc-giác và Vô-thượng Bồ-Đề đều y-pháp ấy làm căn-bản và thành tựu. Cho nên gọi là thiện-pháp”.

3. TƯỚNG CỦA MƯỜI ĐIỀU THIỆN

Thiện-pháp đây tức là mười nghiệp đạo thiện. Những gì là mười? Nghĩa là xa lìa sát-sanh, trộm cắp, tà-hạnh, vọng-ngôn, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ-ngữ, tham-dục, sân-nhuế và tà-kiến.

CHƯƠNG III: CÔNG ĐỨC CỦA MƯỜI NGHIỆP LÀNH

1. CÔNG ĐỨC XA LÌA SỰ SÁT SANH

Long-vương! nếu xa lìa sát-sanh thời được thành tựu mười pháp không còn bức não. Những gì là mười?

Đối với các chúng sanh cùng khắp bố-thí đức vô-úy;

Thường khởi lòng đại từ đối với chúng sanh.

Dứt sạch tất cả các tập khí (thói quen) giận hờn;

Thân thường không bệnh.

Sống mạnh lâu dài.

Thường được phi-nhơn (quỷ thần) ủng hộ,

Thường không ác mộng, thức ngủ an vui.

Diệt trừ oan kiếp, oán thù tự giải.

Không sợ sa đường dữ.

Khi chết sanh lên trời.

Ấy là mười công đức.

Nếu hồi-hướng đạo Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác, sau khi thành Phật, được quả Phật thì tùy tâm tự tại sống lâu.

2. CÔNG ĐỨC XA LÌA TRỘM CẮP

Lại nữa Long-Vương! Nếu xa lìa trộm cắp thời được mười pháp bảo tín. Mười pháp ấy là gì?

Giàu có của cải; vua, giặc, nước, lửa và con hư không phá diệt;

Nhiều người thương mến;

Người không dối gạt;

Mười phương khen ngợi;

Không lo tổn hại;

Tiếng tốt đồn khắp;

Ở giữa đại chúng không sợ hãi;

Của cải, tánh mạng, hình sắc, sức lực, an vui, biện tài đầy đủ không thiếu;

Thường sẵn lòng bố thí;

Mạng chết sanh lên trời.

Nếu hồi hướng về đạo Vô-Thượng Chánh-đẳng Chánh-giác, sau thành Phật, được chứng trí Thanh-tịnh Đại-Bồ-Đề.

3. CÔNG ĐỨC XA LÌA TÀ-HẠNH (TÀ-DÂM)

Lại nữa Long-vương! Nếu xa lìa Tà-hạnh, thời được bốn pháp, kẻ trí ngợi khen. Những gì là bốn?

Pháp căn điều thuận;

Xa lìa rộn ràng;

Được đời khen ngợi;

Vợ không ai xâm phạm.

Ấy là bốn công đức về chánh-hạnh. Nếu hồi hướng đạo Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác, sau thành Phật, được trượng-phu ẩn-mật-tàng tướng.

4. CÔNG ĐỨC XA LÌA NGHIỆP VỌNG-NGỮ

Lại nữa Long-vương! Nếu xa lìa vọng-ngữ thời được tám pháp trời khen ngợi. Những gì là tám?

Miệng thường thanh-tịnh, thơm mùi hoa ưu-bát;

Được người tín phục;

Mở lời thành chứng, nhơn thiên kính mến;

Thường đem lời êm dịu, an ủi chúng sanh;

Được ý vui thù thắng, ba nghiệp thanh tịnh;

Nói không sai lầm, lòng thường hoan hỷ;

Mở lời tôn-trọng, nhơn thiên phụng hành;

Trí-huệ thù thắng không ai chế phục.

Ấy là tám món công đức về hạnh không vọng-ngữ. Nếu hồi hướng về đạo Vô-thượng Bồ-Đề, sau thành Phật được chơn-thiệt-ngữ của Như-Lai.

5. CÔNG-ĐỨC XA LÌA NGHIỆP HAI LƯỠI

Lại nữa Long-vương! Nếu xa lìa nghiệp hai lưỡi, thời được năm pháp không thể phá hoại. Những gì là năm?

Được thân bất hoại, không ai hại được;

Được bà con bất hoại, không ai phá hại;

Được lòng tin bất hoại, thuận theo bổn nghiệp;

Được pháp hạnh bất hoại, chỗ tu kiên cố;

Được thiện-tri-thức bất hoại; không dối lừa nhau.

Năm công đức này nếu hồi hướng về đạo Vô-thượng Chánh-đẳng, Chánh-giác, sau thành Phật, được quyến thuộc chơn-chánh, các tà ma ngoại đạo không thể phá hoại.

6. CÔNG ĐỨC XA LÌA NGHIỆP ÁC-KHẨU

Lại nữa Long-Vương! Nếu xa lìa ác-khẩu thời được thành tựu tám món tịnh-nghiệp. Những gì là tám?

Lời nói không trái pháp độ;

Lời nói có lợi ích;

Lời nói quyết lý;

Lời nói đẹp đẽ;

Lời nói thừa lãnh được;

Lời nói được tin dùng;

Lời nói không thể chê;

Lời nói được ưa thích;

Nếu hồi hướng đạo Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác, sau thành Phật, đầy đủ phạm-âm-thanh tướng của Như-Lai.

7. CÔNG ĐỨC XA LÌA Ỷ-NGỮ (nói thêu dệt)

Lại nữa Long-Vương! Nếu xa lìa ỷ-ngữ, thì thành tựu ba món quyết-định. Những gì là ba?

Được người trí yêu mến;

Dùng trí như-thật đáp các người hỏi;

Ở nhơn thiên oai đức tối-thắng, không hư vọng.

Nếu hồi hướng Vô-thượng Chánh-đẳng, Chánh-giác, sau thành Phật, được Như-Lai thọ ký, chẳng có luống dối.

8. CÔNG ĐỨC XA LÌA THAM-DỤC

Lại nữa Long-Vương! Nếu xa lìa tham-dục thời được thành tựu năm món tự tại. Những gì là năm?

Ba nghiệp tự tại, các căn cụ túc;

Của cải tự-tại, oán-tặc, không cướp lại;

Phước đức tự tại, toại lòng yêu muốn, vật dụng đầy đủ;

Vương-vị tự tại, đồ vật quý lạ, đều được phụng hiến;

Những vật được, thù thắng xấp trăm lòng mong cầu; vì ngày xưa không bỏn sẻn ganh ghét.

Nếu hồi hướng Vô-thượng Bồ-Đề sau thành Phật, tam-giới đặc biệt tôn-trọng thảy đều kỉnh nhường.

9. CÔNG ĐỨC XA LÌA SÂN NHUẾ (sân hận)

Lại nữa Long-Vương! Nếu xa lìa sân-hận, thời được tám món tâm-pháp hỷ-duyệt. Những gì là tám?

Không có lòng tổn não;

Không còn sân hận;

Không có lòng gây kiện;

Lòng nhu-hòa, ngay thật;

Được từ tâm của bậc thánh giả;

Sẵn lòng làm lợi-ích an-lạc cho chúng sanh;

Thân tướng đẹp đẽ, chúng đều tôn-kính;

Do sự hòa-nhẫn; mau sanh về cõi phạm-thiên.

Nếu hồi hướng đạo Vô-thượng Bồ-Đề, sau thành Phật, được tâm vô ngại của Phật, người trông không chán.

10. CÔNG ĐỨC XA LÌA NGHIỆP TÀ-KIẾN

Lại nữa Long-Vương! Nếu xa lìa tà-kiến thời được thành-tựu mười pháp công đức. Những gì là mười?

Được ý vui chơn-thiện, bầu bạn chơn-thiện;

Thâm tín nhơn-quả; thà bỏ thân-mạng trọn chẳng làm ác.

Chỉ quy-y Phật, không quy y các thiên-thần;

Trực tâm chánh-kiến, xa hẳn tất cả ngờ vực cát hung;

Thường sanh nhân-thiên, không sa vào đường dữ;

Vô-lượng phước huệ, lần lữa thêm nhiều;

Xa hẳn đường tà, tu hành thánh-đạo;

Chẳng sanh khởi thân-kiến, bỏ các ác nghiệp;

Kiến giải vô ngại;

Chẳng bị các tai-nạn.

Ấy là mười điều; nếu đem hồi-hướng về quả Vô-thượng Bồ-Đề, sau thành Phật, mau chóng ngộ được tất cả Phật-pháp, thành tựu thần-thông tự-tại.

CHƯƠNG IV: THẮNG HẠNH CỦA 10 NGHIỆP LÀNH

1. LỤC ĐỘ

A. Bố-thí độ

Bấy giờ, đức Thế-Tôn lại bảo Long-Vương rằng: Nếu có Bồ-tát y thiện-nghiệp ấy, trong khi tu đạo, lìa nghiệp giết hại mà hành bố-thí, thường giàu của báu, không ai xâm đoạt, trường-thọ không yểu, chẳng bị tất cả oan tặc làm hại. Lìa nghiệp chẳng cho mà lấy, thiệt hành bố-thí, thường giàu của báu, không ai xâm đoạt, không ai sánh kịp, đều hay nhóm họp kho báu Phật-pháp. Lìa lỗi tà-hành mà làm bố thí, thường giàu của báu, không ai chiếm đoạt; trong nhà trinh thuận, mẹ và vợ con, không ai đem lòng dục mà xâm phạm. Lìa lời nói dối mà làm bố-thí, thường giàu của báu, không ai chiếm đoạt, không khởi các hủy báng, thâu giữ Chánh pháp, như lời thệ nguyện, chỗ làm thỏa mãn. Lìa lời nói chia rẽ (hai lưỡi) mà làm bố thí, thường giàu của báu, không ai xâm đoạt, quyến thuộc hòa thuận đồng vui một chí, thường không trái chống. Lìa lời nói thô dữ mà làm bố thí, thường giàu của báu không ai xâm chiếm, tất cả chúng hội, hoan hỷ quy-y, nói ra đều được tín thọ, không ai trái nghịch. Lìa lời nói vô nghĩa (ỷ ngữ) mà làm bố thí, thường giàu của báu, không ai xâm chiếm, nói chẳng uổng lời, người đều kính chịu, hay dùng phương tiện, khéo dứt các ngờ vực. Lìa lòng tham cầu mà làm bố thí, thường giàu của báu, không ai xâm đoạt, có được vật gì đều đem ban cấp, tín giải kiên cố, đủ oai lực lớn. Bỏ lòng giận hờn mà làm bố-thí, thường giàu của báu, không ai chiếm đoạt. Mau tự thành tựu, tâm trí vô ngại, các căn tốt đẹp, người thấy kính ưa. Xa lìa lòng tà đạo mà làm bố thí, thường giàu của báu, không ai chiếm đoạt, thường sanh vào nhà kính tín Chánh-pháp, thấy Phật, nghe pháp, cúng dường Chúng Tăng, thường chẳng quên mất lòng Đại Bồ-Đề. Ấy là bậc đại-sĩ trong khi tu Bồ-Tát đạo, làm 10 nghiệp lành, dùng bố-thí trang nghiêm mà được lợi lớn.

B. Lược nói về 5 độ

Như vậy Long-vương; Tóm lại mà nói: từ 10 thiện đạo dùng trì giới trang nghiêm hay sanh tất cả nghĩa lợi của Phật-pháp, đầy đủ nguyện lớn. Dùng nhẫn-nhục trang nghiêm, được viên-âm của Phật, đủ các tướng tốt. Dùng tinh-tấn trang nghiêm hay phá ma oán, vào Pháp-tạng của Phật. Dùng thiền-định trang nghiêm hay sanh niệm huệ, tàm quý, khinh an. Dùng trí huệ, trang nghiêm hay dứt tất cả phân biệt vọng kiến.

2. CÁC HẠNH KHÁC

A. Tứ vô lượng tâm.

Lòng từ trang nghiêm, đối với chúng sanh; không khởi não hại. Lòng bi trang nghiêm, thương các chúng sanh, thường không chán bỏ. Lòng hỷ trang-nghiêm thấy người tu thiện, lòng không ganh ghét. Lòng xả trang nghiêm, đối cảnh thuận nghịch, lòng không thương giận.

B. Bốn nhiếp pháp

Bốn nhiếp pháp trang nghiêm thường siêng nhiếp hóa tất cả chúng sanh.

C. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo bồ-đề

Niệm xứ trang nghiêm khéo tu tập bốn quán niệm xứ. Chánh cần trang-nghiêm hay dứt trừ tất cả các pháp bất thiện, thành tất cả pháp thiện. Thần túc trang nghiêm thường khiến thân tâm nhẹ nhàng vui vẻ. Năm căn trang nghiêm, thâm tín kiên cố, siêng năng không biếng nhác, thường không mê vọng, vắng lặng điều hòa, dứt các phiền não. Năm lực trang nghiêm, các oán đều diệt, không gì phá hoại. Giác-chi trang nghiêm, thường khéo giác ngộ tất cả các pháp. Chánh-đạo trang nghiêm được trí huệ chánh, thường hiện ở trước. Chỉ trang nghiêm, dứt sạch tất cả kiết sử. Quán trang-nghiêm, như thật biết tự tánh các pháp. Phương tiện trang nghiêm, chóng được thành tựu, đầy vui vô biên.

3. NÓI RỘNG THÊM

Long-Vương nên biết, 10 nghiệp thiện nầy, hay làm cho thập lực, tứ vô úy, 18 pháp bất cọng, tất cả Phật pháp, đều được viên mãn; vậy nay các người phải siêng tu học.

CHƯƠNG V: KẾT LUẬN SỰ THÙ THẮNG CỦA 10 NGHIỆP LÀNH

Long-Vương! Ví như tất cả thành ấp, xóm, làng đều y đại-địa mà được an trú, tất cả trăm hoa, cây cỏ bụi rừng cũng nương đại địa ấy mà được sanh-trưởng; thập-thiện nghiệp-đạo cũng thế, tất cả nhơn thiên y vào đó mà an lập, tất cả Thanh-văn, Độc-giác Bồ-đề, các hạnh Bồ-Tát, tất cả Phật-pháp đều y vào đại địa thập-thiện nầy mà được thành tựu.

ĐOẠN III: LƯU THÔNG

Phật dạy kinh nầy rồi, Sa-Kiệt-La Long-Vương và toàn thể Đại-chúng, tất cả thế gian, Thiên, Nhơn, A-tu-la thảy đều hoan hỷ tín, thọ, phụng hành.

    Xem thêm:

  • Thiện ác nghiệp báo phần 10 – Thụ Trai - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Vì Hải Long Vương Dạy Pháp Ấn - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Vì Ta Già La Long Vương Sở Thuyết Đại Thừa - Kinh Tạng
  • Kinh Nữ Long Thí - Kinh Tạng
  • Củ Lí Ca Long Vương Tượng Pháp - Kinh Tạng
  • Hà Da Yết Lợi Bà Quán Thế Âm Bồ Tát Thọ Pháp Đàn - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Ngữ - Kinh Tạng
  • Kinh Long Thí Bồ Tát Bổn Khởi - Kinh Tạng
  • Thần Chú Thường Cù Lợi Độc Nữ Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 04 – Kính Tháp - Kinh Tạng
  • Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm Kinh - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Câu Lợi Già La Đại Long Thắng Phục Ngoại Đạo - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Tiêu Trừ Hết Thảy Chướng Nạn Thiểm Điện Tùy Cầu Như Ý - Kinh Tạng
  • Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo - Kinh Tạng
  • Bài Tụng Bồ Tát Long Thụ Khuyến Giới Vương - Kinh Tạng
  • Thiện Ác Nghiệp Báo (Chư Kinh Yếu Tập) - Kinh Tạng
  • Truyện Pháp Sư Bà Tẩu Bàn Đậu - Kinh Tạng
  • Kinh Dị Xuất Bồ Tát Bản Khởi - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 23 - Kinh Tạng
  • Phẩm Đại Oai Đức Tối Thắng Kim Luân Tam Muội Chú Kinh Đà La Ni Đại Phật Đỉnh Như Lai Phóng Quang Tất Đát Đa Bát Đát La Đại Thần Lực Đô Nhiếp Nhứt Thiết Chú Vương - Kinh Tạng