Pháp âm “Tại Sao Cần Phải Thờ Cúng Người Mất” được đại đức Thích Phước Tiến thuyết giảng tại chùa Bửu Lâm (H. Cao Lãnh, T. Đồng Tháp) ngày 11/03/2017 (14/02/Đinh Dậu)
Một trong những nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt Nam chính là bàn thờ gia tiên trong mỗi gia đình, vì nó thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, là đạo lý đạo đức người Việt.
Thờ là dựng nên một cái gì đó về mặt nghi lễ, hình thức: đèn, lư, hình ảnh…
Cúng là dạng thực phẩm có thể sử dụng được bằng các giác quan: ăn, ngửi, thưởng thức như là nước, trái cây, hoa, nhang…
Việc thờ cúng đối với người Việt Nam rất phong phú: thờ Phật, thờ thánh, thờ thần, thờ ông bà tổ tiên, thờ những người thân chúng ta qua đời.
Nhưng dường như hiện nay, việc thờ cúng đang dần phai nhòa đi khi người ta không hiểu hết giá trị của việc thờ cúng ông bà tổ tiên quan trọng ra sao. Đôi khi chúng ta quên mất rằng ngày giỗ, ngày thờ cúng ông bà là một ngày để con cháu nhắc lại ông bà ta ngày xưa chúng ta như thế nào để xây dựng nên chúng ta bây giờ, là ngày anh chị em, cô chú bác những người trong một gia đình tụ họp về để nhìn nhận những người cùng huyết thống, nối kết lại chung một dòng tộc dòng họ của chúng ta.
Một mặc khác, đối với việc thờ cúng ông bà tổ tiên, nó không những thể hiện tình cảm, mà còn là đạo lý dành cho người quá cố, con người chúng ta sống phải có đạo lý, không có đạo lý chúng ta sẽ mất đi những phẩm chất, đạo đức cần có của một con người vậy nên ông bà cha mẹ có trách nhiệm dạy dỗ, dìu dắt, phân tích cho thế hệ tương lai về những ngày giỗ truyền thống của gia đình để giữ mãi nét đẹp văn hóa này.