1
2
3
4
5
6
7
8
9
10

Phẩm 28: ƯU ĐÀ DA

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo ưu-đà-da:

-Phật trước đây xuất gia vốn có lời hứa với cha mẹ, là nếu đắc Phật đạo thì trở về độ cha mẹ. Nay đã được Phật đạo, công đức đã thành tựu, tất nhiên phải trở về nước để không trái với lời hứa xưa. Ngươi dùng thần túc đi trên hư không, hiện các thần biến in như thân ta; đã thành đạo lớn. Họ sẽ nghĩ đệ tử còn như vậy huống là Phật, oai đức rực rỡ vô lượng. Có như vậy mọi người mới tin thọ.

Ưu-đà-da thọ giáo, dùng thần túc bay đi trên hư không và về đến bổn quốc Ca-duy-la-vệ. Ngay trên thành, ở giữa hư không hiện vô số các sự biến hóa: Trên thân ra nước, dưới thân ra lửa. Nước không thấm ướt thân, lửa không tổn hại thân. Bảy lần hiện, bảy lần ẩn mất. Từ phương Đông ẩn vào đất rồi hiện ra ở phương Tây; từ phương Tây ẩn, hiện ra ở phương Đông, từ phương Nam ẩn, hiện ra ở phương Bắc; từ phương Bắc ẩn, hiện ra ở phương Nam. Đi trên hư không như chim bay, ẩn vào đất như ẩn vào nước. Đi trên nước như đi trên đất. Vua và thần dân không ai là không vui mừng, nhân đó mới biết được đạo tôn quý.

Khi ấy đọc kệ:

Hạnh nguyện của chư Phật

Nhiều kiếp số sinh tử

Thương xót loài nhỏ nhiệm

Cần khổ vô lượng kiếp

Lúc ngồi cội Bồ-đề

Trở lại bản nguyện xưa

Vui mừng sẽ nghe giảng

Khó được thường thấy nghe

Khi mới thành Phật đạo

Liền dẹp ma quyến thuộc

Phá ngay gốc sinh tử

Diệt sạch hết ái dục

Phật nhớ đến cố hương

Muốn gặp lại thân tộc

Nay nghe vua Đầu-đàn

Nói lời rất thương xót

Tỳ-kheo tên Ưu-đà

Tánh đẹp vui lòng người

Phật dạy bảo Ngài đi

Báo tin Đức Phật sẽ

Trở về nước phụ vương

Để tuyên bày Phật ý

Nay vua trông Thái tử

Muốn Ngài trở về cung

Ưu-đà nghe Phật dạy

Liền nhận lãnh phụng hành

Nhân đó ngay trước Phật

Biến hóa đi vào đất

Thân Ngài bỗng biến mất

Thần túc đi vào thành

Đi đến điện đại vương

Ngồi ở trước nhà vua

Tỳ-kheo Ưu-đà-da

Hiện trước Duyệt-đầu-đàn

Biến hóa rất nhiều cách

Bay lên điện phụ vương

Sạch giống như hoa sen

Đất bùn bụi không dính

Phụ vương thấy sợ hãi

Liền hỏi thần việc chi

Mà thần kỳ như vậy

Do đâu được như thế?

Xin cho trẫm được biết

Để giải tâm nghi kết

Từ lúc sinh đến nay

Chưa thấy việc lạ này.

Thái tử xưa bỏ nước

Cầu đạo độ chúng sinh

Siêng tu vô số kiếp

Đến nay mới được thành

Vua nay chớ sợ hãi

Thong thả lòng vui vẻ

Tôi vì phá các ác

Vì vua, Thái tử sai

Vua nghe nhắc Thái tử

Nước mắt tuôn như mưa

Mười hai năm đến nay

Mới nghe tiếng Tất-đạt

Nay đem tin lành đến

Như tỉnh mơ, sống lại

Thái tử bỏ ngôi vua

Thành đạo hiệu là gì?

Rời nước ngồi sáu năm

Tinh tấn nay thành Phật

Hiệu là Thiên Trung Thiên

Bậc quý nhất ba cõi

Khi xưa tại nước ta

Vì Ngài xây cung báu

Chạm trỗ trang trí đẹp

Nay nhà cửa thế nào

Ưu-đà-da thưa vua:

Phật mầu nhiệm chân chánh

Thường ngồi dưới gốc cây

Chư Thiên đến nương về.

Con ta lúc tại cung

Nệm thảm trải cùng khắp

Đều dệt bằng gấm vóc

Mềm mại sáng lấp lánh

Vợ rồng dâng giường báu

Thiên đế cúng ca-sa

Không ưa dùng ý đẹp

Tâm Ngài không tăng giảm

Tại nước thức ăn ngon

Cao lương hợp khẩu vị

Nay đây việc ăn uống

An thân những món gì ?

Ôm bát đi khất thực

Gieo phước không ngon dở

Chú nguyện nhà bố thí

Khiến đời đời an ổn

Tất-đạt xưa ngủ nghĩ

Không dám đánh thức càn

Khảy đàn phát âm thanh

Như thế khiến thức dậy

Như Lai Tam-muội định

Hằng đêm không ngủ thức

Thích, Phạm đến khuyến trợ .

Đều cúi đầu lãnh thọ

Ở nhà tắm tạp hương

Cùng vô số chất thơm

Hương thơm lan khắp nhà N

ay dùng những hương gì?

Tám giải, ba thoát môn

Tắm rửa trừ tâm nhơ

Tâm sạch như hư không

An vui không phiền nhiễu.

Tất-đạt lúc ở nhà

Giã vô số tạp hương

Xông thơm y phục Ngài

Thanh tịnh không dính bẩn

Giới, Định, Tuệ, Giải thoát

Dùng đạo đức làm hương

Xông đến tám nạn xứ

Đời đời độ mười phương

Bốn phẩm sàng tòa đẹp

Do nhiều báu làm thành

Trải nhiều lớp đồ nằm

Để nằm ngồi trên đó

Tứ thiền làm sàng tòa

Định ý không tán loạn

Thanh tịnh như hoa sen

Không dính nước bùn bẩn

Tại cung vô số binh

Các thần luôn hầu hạ

Tả hữu thường ủng hộ

Mắt không thấy đồ nhơ

Các chúng đệ tử đủ

Ngàn hai trăm năm mươi

Vô số các Bồ-tát

Đều đến cúi đầu theo

Khi xưa chưa xuất gia

Có bốn loại xe đẹp

Voi ngựa và trâu dê

Dạo đi xem bốn phương

Ngũ thông làm xa giá

Thấy, nghe suốt, bay đi

Chứng biết tâm người khác

Tự tại vượt sinh tử

Khi con ta đi về

Có cờ xí thêu vẽ

Và cầm các binh trượng

Trước sau theo hộ tống

Dùng Từ, Bi, Hỷ, Xả

Ngài thi ân cứu giúp

Chở che bao ách nạn

Để nghiêm sức chúng sinh

Khi ra đủ kỹ nhạc

Nên chuông và đánh trống

Người xem chật cả đường

Sau trước chẳng thấy nhau

Dưới cây Ba-la-nại

Đánh vang trống bất tử

Các Câu-lân đắc đạo

Tám vạn bốn ngàn trời

Chín sáu đạo hàng phục

Âm vang thấu ba ngàn

Chúng sinh đều mừng vui

Đón nhận, tâm tỏ ngộ

Giáo hóa đất nước nào?

Nhân dân nhiều hay ít?

Hóa độ được bao người?

Có quy phục hết không?

Lãnh đạo ba ngàn cõi

Giáo hóa các chúng sinh

Mười phương không kể xiết

Thảy đều được cứu độ

Tại nước, nghĩ chánh pháp

Giúp trẫm trị muôn dân

Làm đúng các nghi lễ

Ai cũng theo học tập

Phật hiểu không, vốn không

Bỏ hết bốn điên đảo

Không ai không quy phục

Rõ suốt đạo vô vi

Phật thế gian không chống

Hiểu biết rộng đầy đủ

Ngươi nói phải xét lại

Tất cả đều quy y

Mọi người trong thiên hạ

Một người vô số đầu

Một đầu vô số lưỡi

Lưỡi giải vô số nghĩa

Nhóm họp hằng sa người

Khen ngợi công Đức Phật

Hằng sa kiếp không xong

Huống tôi, trí đom đóm.

Vua nghe càng thêm buồn vui lẫn lộn, khen:

-Lành thay! Lành thay! A-di không nói dối, Phật sẽ về phải không? Ngày nào sẽ về đến? ưu-đà-da thưa:

-Sau bảy ngày sẽ đến.

Vua rất vui mừng, liền sắc quần thần cùng vạn dân trong nước: -Ta đi nghênh đón Phật. Sẽ đón rước theo nghi pháp của Chuyển luân vương. Sửa sang đường sá cho bằng phẳng, quét dọn sạch sẽ, nước thơm rưới đất, treo các tràng phan, dựng các cờ lọng cùng khắp trong nước. Chỗ sửa sang xong nên trang trí cho sáng sủa, đẹp đẽ. Ngàn vạn xe, ngựa ra cách thành khoảng bốn chục dặm để nghênh đón Phật, cúi đầu quy mạng.

Ưu-đà-da đi đến trước thưa vua:

-Tôi vâng lời Phật dạy, về yết kiến vua thưa lên ý của Ngài. Nay trở về tuyên bạch lại ý của vua khát khao vô lượng, muốn được gặp Chí Tôn, cúi đầu đảnh lễ, thọ lãnh giáo pháp và mong Ngài giáo hóa vạn dân đều được nhờ phước lành.

Vua thưa:

-Bấy giờ là phải thời, chớ nên chậm trễ.

Khi ấy Ưu-đà-da trở về gặp Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật để trình bày lại ý của vua, là khi được biết Thế Tôn và các đệ tử hẹn bảy ngày nữa sẽ về đến bổn quốc thì vua và quần thần không ai là không vui mừng. Vua cho biết, từ ngày cách biệt đến nay đã nhiều năm, ngày đêm tưởng nhớ, ăn không ngon, ngủ không yên, khát khao tính đếm từng ngày trôi qua, đợi Thế Tôn về.

Bảy ngày đã qua, bây giờ Đại Thánh bảo các đệ tử:

-Ngày mai sẽ bắt đầu đi đến Ca-duy-la-vệ để yết kiến phụ vương. Tất cả đều lo chuẩn bị y phục, bình bát.

Thích, Phạm, Tứ vương nghe tin Phật trở về nước đều đến hộ tống. Trời mưa nước thơm, rải hoa, đốt hương, dựng các cờ lọng. Tứ vương, chư Thiên đều ở trước dẫn đường. Phạm thiên hầu bên hữu, Đế Thích hầu bên tả. Các chúng Tỳ-kheo đều đi theo sau Phật. Chư Thiên, Long thần, mang hoa hương, kỹ nhạc theo hầu trên hư không.

Khi Phật vừa lên đường, trước tiên ứng hiện các điềm lành: Ba ngàn quốc độ chấn động sáu cách, cây khô đã trăm năm nay đều trổ hoa trái. Các khe suối khô cạn, nay tự nhiên tuôn nước. Vua thấy điềm lành này, biết Phật đã đến liền ra lệnh các Thích chủng, đại thần bá quan đều đi đến chỗ Phật rải hoa, đốt hương, dựng các tràng phan, đánh các kỹ nhạc, cùng ra nghênh đón Phật.

Từ xa vua thấy Phật ở giữa đại chúng như mặt trăng giữa các ngôi sao, như vầng thái dương vừa mới xuất hiện tỏa ánh sáng rực rỡ, như bông hoa tươi tốt tỏa hương thơm lừng. Thân cao lớn một trượng sáu, tướng tốt trang nghiêm, rực rỡ như núi vàng ròng. Vua gặp Phật, trong lòng buồn vui lẫn lộn, vì ly biệt lâu ngày, nay mới gặp lại. Vua đến trước Phật cúi đầu làm lễ, đại thần bách quan tuần tự cuối đầu làm lễ. Vua liền trở vào thành, chân đạp cái then cửa, đất chấn động mạnh. Trời mưa các thứ hoa, các nhạc khí tự kêu, người mù thấy được, người điếc nghe được, người bị què cả hai chân đi được, người bệnh được lành, người ngọng nói được, người cuồng tỉnh trí, người gù được thẳng, người bị độc không bị hại. Trăm loại chim thú cùng kêu những âm ^ thanh hòa nhã. Phụ nữ trang sức các loại vòng ngọc chạm vào nhau phát ra âm thanh. Ngay trong lúc thấy những biến hóa như vậy, không ai là không hoan hỷ. Kho báu tự nhiên xuất hiện, trong chứa đầy ngọc quý, người nào tâm ý khác biệt, đều cùng hòa đồng, cùng nhau chắp tay tự quy mạng Phật. Các loài súc sinh nhờ ánh sáng của Ngài nhuần thấm, đều được sinh lên trời. Người mẹ mang thai nhờ ánh sáng này giảm bớt sự đau đớn, sinh con đẹp đẽ, đoan chánh, tiêu sạch dâm, nộ, si, không còn trần lao, xem nhau như cha mẹ, anh em, con cái và như chính bản thân mình. Địa ngục ngừng nghỉ, ngạ quỷ no đủ, theo ánh % sáng đến quy mạng Đức Thế Tôn, đều phát đạo ý.

Vua thấy Phật cao lớn một trượng sáu, tướng tốt sáng chói, thân, sắc vàng ròng, các căn vắng lặng, như mặt trăng giữa các vì sao, rực rỡ như núi vàng. Thiên đế, Phạm vương, Tứ vương tôn kính; thấy các Phạm chí từ lâu ở trong núi phơi trần thân hình, nắng thiêu, gió táp, thân thể đen thui, gầy ốm đứng hầu một bên Phật như con voi đen bên ngọn núi vàng, không thể nổi bật. Đức lớn của Phật hiển lộ khiến cho tất cả đều vui mừng.

Vua lại sắc các gia đình danh giá thuộc dòng họ Thích ở trong nước, chọn năm trăm người đoan chánh có nhan mạo đẹp đẽ, đặc biệt, chọn năm trăm người xuất gia làm Sa-môn để hầu hạ bên Phật, giống như chim phượng hoàng ở trên núi Tu-di, cũng như ngọc ma-ni để trong hộp thủy tinh.

Bấy giờ Nan-đà, em của Phật cũng muôn làm Sa-môn, chưa cạo râu tóc. Nan-đà có một người nô bộc làm thợ hớt tóc, đến trước bạch Phật:

-Thân người khó được, Phật pháp khó gặp, cơ hội tốt khó có. Nay con là trượng phu, cũng như các Tôn giả đã biết đạo rất cao xa không thể suy lường, không ham muốn sự giàu sang vinh hiển ở đời, xả bỏ địa vị tôn quý đi làm Sa-môn. Nay con ở địa vị nhỏ bé, thấp hèn, hoàn toàn không có thể sánh kịp các Tôn giả thì có gì xuất gia hành đạo! Cúi xin Phật thương xót cứu giúp ba đường, chìm đắm trần ai, cứu độ con làm Sa-môn.

Phật dạy: “Lành thay!” và gọi: “Đến đây, Tỳ-kheo!” thì tóc ông tự rụng, ca-sa khoác thân, liền thành Sa-môn, đảnh lễ các Sa-môn và theo thứ lớp ngồi vào vị trí.

Nan-đà đến sau, theo thứ lớp đảnh lễ các Tôn giả. Khi đến chỗ Sa-môn này thì đứng chớ không lạy. Trong lòng tự nghĩ: “Đây là kẻ nô bộc trong nhà, không thể làm lễ”. Phật biết tâm niệm đó nên bảo Nan-đà:

-Phật pháp bao dung tất cả, căn cứ chỗ tu học trước hay sau chứ không nhắm vào sự cao quý hay thấp hèn. Cũng như biển lớn dung nạp tất cả muôn sông, bốn dòng không tách nước bùn; giữ tâm như đất, bốn đại đều bình đẳng. Đất nước lửa gió, trong ngoài không khác, tinh thần rỗng không, thanh tịnh. Chỗ đắm trước là danh, nên bỏ tự đại, dùng pháp để tự thăng tiến mới đúng với lời giáo huấn của đạo Tiên thánh vô cực.

Bấy giờ Nan-đà nghe Phật dạy những lời thiết tha, chí lý, trước việc chẳng đặng đừng, hiểu rõ tất cả vốn không, vứt bỏ tự đại, hạ ý làm lễ. Trời đất chân đống mạnh, cả chúng hội đều khen:

-Lành thay! Vì đạo tâm bình đẳng, tự dẹp bỏ cống cao, hạ thấp tâm xuống, cảm đến trời đất, làm cho chấn động mạnh.

Bắt đầu từ đó Phật chế pháp: Ai tu học trước là lớn, ai tu học sau là nhỏ. Đó là lễ thường tình của chánh pháp, điều không gây hiềm khích thì không có sự tranh cãi.

Bấy giờ Phật vào cung, ngồi ở trên điện. Vua và thần dân ngày ngày cúng dường trăm món thức ăn ngon. Phật giảng kinh pháp, người được độ nhiều vô lượng.

Cù-di dắt La-vân đến cúi đầu lễ sát chân Phật, ngước nhìn thăm hỏi:

-Ly biệt đã lâu, thiếu vắng sự cúng dường hầu hạ.

Bấy giờ quần thần trong triều đều ôm lòng nghi ngờ trầm trọng. Họ cho rằng Thái tử bỏ nước ra đi đã mười hai năm, do đâu mang thai sinh La-vân?

Phật thưa phụ vương nên nói cho quần thần rõ:

-Cù-di thủ tiết, trinh khiết thanh tịnh, không hề có tỳ vết. Giả sử vương tộc không tin, nay sẽ hiện rõ để chứng minh.

Khi ấy Đức Thế Tôn biến hóa khiến tất cả chúng tăng đều giống in như Phật, tướng tốt sáng chói giống in nhau không khác.

Bấy giờ La-vân vừa đúng bảy tuổi, Cù-đi liền đem chiếc vòng ngọc làm của tin trao cho La-vân và nói:

-Đó là vật của cha con, hãy đem đến trao lại.

La-vân khi ấy liền đi thẳng đến trước Phật, đem vòng ngọc trao cho Đức Thế Tôn. Vua và quần thần đều rất vui mừng, đồng thốt lên:

-Lành thay! Đã rõ ràng, rất là chân thật. La-vân là con Phật.

Phật nói với phụ vương cùng các quần thần:

-Từ nay về sau không còn hoài nghi gì nữa. Đây chính là con ta. Duyên ta hóa sinh. Chớ nghĩ xâu cho Cù-di.

Vua được chứng đạo, Cù-di thọ giới, tịnh tu phạm hạnh. Cung nhân lớn nhỏ đều thọ giới pháp, một tháng sáu ngày trai, một năm ba tháng trai giữ gìn không lười trễ. Trong nước thanh bình, an ninh, mưa gió thuận hòa không trái thời tiết, ngũ cốc dẫy đầy, dân chúng an cư , lạc nghiệp. Muôn dân vạn nước đều đến chúc mừng, đạo đức ngày thêm vun bồi như trăng đầu tháng.

***

Phẩm 29: KHEN NGỢI PHẬT

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo với nhóm tám vị trời Thần Diệu, Đại Thần Diệu, Hoan Dự, Gia Hoan, Chiên-đàn, Đại Duyệt, Tịch Nhiên, Tịch Luật, Thiên tử cõi trời Tịnh cư:

-Phật lập đại hội chuyển pháp luân. Phật vì tất cả cho nên cứu giúp mười phương, không khiến cho bị dứt bỏ. Khai mở tâm ý chúng sinh, trải khắp thiên hạ mới đền đáp được ân Phật.

Đức Thế Tôn lại bảo Thiên tử Thần Diệu:

-Nay kinh này đặt tên là “Phổ Diệu Đại Phương Đẳng”, là điều đáng vui mừng của các Bồ-tát, khiến khắp các cõi Phật đều được nghe. Kinh này được truyền đến nơi nào, thì nơi ấy chói sáng. Đây chính là từ kim khẩu Phật nói ra nên phải mau thọ trì đọc tụng, là con mắt của Phật pháp khiến cho lưu bố cùng khắp. Nếu Bồ-tát khi học, nghe kinh pháp này, tâm người đó vững mạnh, tinh tấn phụng hành đạo Vô thượng Chánh chân, thì đó là cái học rất chân chánh. Nếu có chúng sinh ưa thích sự vi diệu, trụ pháp Đại thừa, không có tâm niệm nghi ngờ, hàng phục lưới ma, thì đọc tụng xong, chắc chắn đều đạt được quả vị Đại Thánh. Các phái ngoại đạo dị học không hoành hành được. Khuyên giúp người học kinh điển mầu nhiệm này, thành tựu được đức lớn, đến với Đại thừa. Nếu có người hiền, nghe nói kinh Phổ Diệu này, chắp tay tự quy y, thì liền bỏ được nguồn gốc của tám việc biếng nhác, thành tựu được tám công: huân. Những gì là tám?

1. Được dung mạo đoan nghiêm.

2. Được thế lực mạnh mẽ.

3. Được quyến thuộc đông nhiều.

4. Mau đạt được biện tài vô lượng.

5. Học nhanh được xuất gia.

6. Việc làm được thanh tịnh.

7. Được định Tam-muội.

8. Được trí tuệ sáng suốt, không điều nào là không rõ.

Đó là tám công đức.

Nếu có người nào vì Pháp sư, trải tòa, đọc tụng kinh này sẽ được tám chỗ ngồi. Những gì là tám?

1. Được chỗ ngồi của trưởng giả.

2. Được chỗ ngồi của Chuyển luân vương.

3. Được chỗ ngồi của Thiên đế Thích.

4. Được chỗ ngồi của Tự tại thiên.

5. Được chỗ ngồi của Đại phạm thiên.

6. Được chỗ ngồi của Bồ-tát.

7. Được chỗ ngồi của Như Lai.

8. Được chỗ ngồi của Chuyển pháp luân, độ thoát tất cả.

Đó là tám chỗ ngồi.

Nếu có Pháp sư giảng dạy pháp này, giả sử có người khen ngợi: “Lành thay!”, người đó sẽ được tám hạnh thanh tịnh. Những gì là tám?

1. Lời nói và việc làm phù hợp, không mâu thuẫn.

2. Lời nói chí thành không luông dối.

3. Ở trong chúng hội chân thật, không dối lừa.

4. Nói ra điều gì mọi người tin theo không xa bỏ.

5. Lời nói dịu dàng không cộc cằn.

6. Tiếng nói êm ái giống như chim loan.

7. Thân tâm theo thời, âm thanh như Phạm thiên. Người trong hội nghe, không ai là không lãnh thọ.

8. Âm vang như Phật, có thể làm vui lòng chúng sinh.

Đó là tám hạnh thanh tịnh.

Nếu có người ghi chép kinh Phổ Diệu này trên thẻ trúc, lụa, không keo kiệt lẫn tiếc kinh, không ôm lòng đố kỵ, mọi người khen ngợi, được ba mươi bốn hạnh, danh đức truyền khắp.

Nếu lại có người học kinh điển này sẽ được tám đại tàng. Những gì là tám?

1. Được ý tàng, chưa từng quên bỏ.

2. Được tâm tàng, phân biệt kinh pháp, không chỗ nào là không hiểu.

3. Được vãng lai tàng, hiểu khắp tất cả các kinh pháp của Phật.

4. Được tổng trì tàng, đối với tất cả những điều đã nghe đều có thể phân biệt nhớ hết.

5. Được biện tài tàng, vì các chúng sinh tuyên dương kinh điển, tất cả đều vui mừng lãnh thọ.

6. Được pháp tàng, hộ trì chánh pháp.

7. Được tùy ý pháp tàng, chưa từng đoạn tuyệt giáo pháp tam bảo.

8. Được phụng hành pháp tàng, mau được pháp nhẫn vô sở tùng sinh.

Đó là tám đại pháp tàng.

Nếu có người nào thọ trì đọc tụng kinh Phổ Diệu này thì được đầy đủ tám nghiệp. Những gì là tám?

1. Thí nghiệp: Không có tâm keo kiệt, ganh ghét.

2. Giới nghiệp: Đầy đủ các nguyện.

3. Văn nghiệp: Tập hợp các trí tuệ đạt đến vị quán đảnh.

4. Tịch nghiệp: Siêng năng đối với tất cả định ý chánh thọ.

5. Kiến nghiệp: Có thể thấy đầy đủ được trí tam đạt.

6. Phước nghiệp: Tướng tốt đầy đủ, dạy bảo nước Phật

7. Tuệ nghiệp: Vì mọi người thuyết pháp, theo bệnh cho thuốc.

8. Đại ai nghiệp: Vì mười phương trồng các gốc đức, không biếng nhác trong việc thọ trì pháp Phổ Diệu này.

Tâm tự nghĩ khiến cho tất cả chúng sinh đều mau đạt được pháp này. Do đức bổn ấy, lại được tám phước lớn. Những gì là tám?

1. Thành phước đức lớn của Chuyển luân thánh vương, thấy cảnh Niết-bàn kiến lập lòng tin thuần nhất.

2. Được làm Tứ Thiên vương.

3. Được làm Đế Thích.

4. Được làm Viêm thiên.

5. Được làm Thiên tử Đâu-suất.

6. Được làm Vô kiêu lạc thiên.

7. Được làm Hóa tự tại thiên.

8. Được làm Như Lai, dứt các pháp bất thiện, đầy đủ các gốc thiện.

Đó là tám phước lớn.

Nếu có người thọ trì kinh Phổ Diệu này, hoặc chí tâm nghe rõ suốt, ghi nhớ, thì được tám tâm thanh tịnh. Những gì là tám?

1. Thường thực hành Từ tâm, tiêu trừ sân giận.

2. Thường thực hành Bi tâm, trừ các hoạn hại.

3. Thường thực hành Hỷ tâm, tiêu trừ các sự không vui.

4. Thường thực hành Xả tâm, trừ các sự kết trói dính mắc.

5. Tu hạnh Tứ thiền, ở ngay nơi cõi Dục mà được tự tại.

6. Hành Tứ vô sắc định do mình mà được.

7. Được năm phép thần thông dạo chơi nơi các cõi Phật, trừ các quái ngại, các nạn ngăn che.

8. Đạt được định ý mạnh mẽ, một mình dạo đi trong ba cõi.

Đó là tám tâm thanh tịnh.

***

Phẩm 30: CHÚC LỤY

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo hiền giả Ca-diếp, hiền giả A-nan và Bồ-tát Di-lặc:

-Ta từ vô số kiếp tu theo pháp này mới thành tựu đạo Vô thượng Chánh chân. Nay phó chúc cho các thầy, các thầy hãy trao tay nhau thọ trì đọc tụng, rộng vì người giảng nói.

Bấy giờ Đức Thế Tôn muốn cho kinh pháp này được truyền bá khắp mười phương, Ngài thuyết kệ:

Phật xem thấy các loài chúng sinh

Đều được La-hán như con ta.

Nếu người ngàn ức kiếp cúng dường

Và tiếp cúng dường hằng sa nữa

Lại thêm cúng dường Bích-chi-phật

Có người một ngày thờ kinh này

Tính công đức này vượt hơn kia

La-hán số đông nhiều vô kể

Tất cả chúng sinh thành Duyên giác

Nếu có người ức kiếp cúng dường

Ẩm thực, y phục, sàng, ngọa cụ

Hương bột, hương tạp và danh hoa

Nếu có người nhất tâm chắp tay

Chí tâm tự quy một Như Lai

Miệng tự xưng lên Nam-mô Phật

Phước công đức này thật tối thượng

Tất cả chúng sinh đều thành Phật

Nếu có người ức kiếp cúng dường

Y bị, ẩm thực, sàng, tọa cụ

Hương bột, hương tạp và danh hoa

Nếu chánh pháp sắp bị lâm nguy

Vứt bỏ thân mạng để hộ trì

Nếu người nào trong một ngày đêm

Giữ các pháp này tất hơn kia.

Nếu người phụng sự mười phương Phật

Cùng với Duyên giác các Thanh văn

Nếu người giữ vững đạo tâm này

Nhận lãnh yếu điểm các pháp vương

Tất cả kinh là đạo chắc thật

Nếu Như Lai nhiều như hằng sa

Cúng dường thờ phụng các vị ấy

Nếu có người tay nhận kinh này

Đạt được biện tài không ai sánh

Phân biệt một câu đến ức kiếp

Trí tuệ chánh nghĩa không hao tổn

Nếu đem kinh đây giảng cho người

Trí tuệ đạo sư không bờ đáy

Xét không có ai cùng sánh bằng

Giống như sông biển không cùng tận

Người nghe pháp này cũng như vậy.

Phật bảo các Hiền giả Ca-diếp, A-nan, Di-lặc cùng dặn dò nhau, lãnh thọ, hành trì, đọc tụng, học tập, khiến cho lưu bố cùng khắp. Chỉ dạy cho những người cùng học và những người trong mười phương, đều khiến cho tất cả được nhờ ân tế độ để cho không bị dứt mất. Lần lượt dạy bảo cho nhau, lần lượt thành tựu cho nhau, khiến cho không bị đình trệ, ngôi Tam bảo không diệt, mới báo được ân Phật.

Phật dạy như vậy, Thiên tử Đại Thần Diệu và Thiên tử Tịnh cư, Bồ-tát Di-lặc, Bồ-tát Hiền Kiếp và Đại Ca-diếp cùng các đại đệ tử, Thiên, Long, Quỷ thần, Kiền-thát-hòa, A-tu-luân nghe Phật giảng thuyết đều hoan hỷ phụng hành.

    Xem thêm:

  • Kinh Luân Vương Thất Bảo - Kinh Tạng
  • Kinh Ưu Bà Di Tịnh Hạnh Pháp Môn - Kinh Tạng
  • Kinh Di Lặc Hạ Sanh Thành Phật - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 40 - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 48 – Kinh Kosambiya (Kosambiya sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Diên Thọ Diệu Môn - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Thập Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Thọ Đề Già - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Tát Tòng Đâu Thuật Thiên Hàng Thần Mẫu Thai Thuyết Quảng Phổ - Kinh Tạng
  • Kinh Cửu Sắc Lộc - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Diệu Kim Cang Đại Cam Lộ Quân Nã Lợi Diệm Man Sí Thạnh Phật Đỉnh - Kinh Tạng
  • Kinh Thần Chú Thập Nhứt Diện Quán Thế Âm - Kinh Tạng
  • Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Thọ Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Thích Minh Định dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Tùy Cầu Tức Đắc Đại Tự Tại Đà-ra-ni - Kinh Tạng
  • Kinh Thiêm Phẩm Diệu Pháp Liên Hoa - Kinh Tạng
  • Kinh Vô Năng Thắng Phan Vương Như Lai Trang Nghiêm Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Pháp Thất Phật Câu Chi Phật Mẫu Tâm Đại Chuẩn Đề Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Nguyên Thuận dịch - Kinh Tạng