1
2
3
4
5
6
7
8
9
10

Phẩm 16: RỒNG CA-LÂM

Phật bảo các Tỳ-kheo:

-Ánh sáng nơi thân Bồ-tát chiếu sáng cung điện của vua rồng Ca-lâm. Rồng nhờ ánh sáng của Phật, thân tâm được an vui, tiêu các trần lao, đạt được an ổn, nét mặt vui tươi.

Bấy giờ vua rồng thấy ánh sáng này, mắt liền mở được, cùng với bà con đi đến trước Bồ-tát khen ngợi.

-Con đã từng thấy được Phật Câu-lưu-tần, từ đó đến nay thời gian rất lâu xa. Con cũng được thấy Phật Câu-na-hàm Mâu-ni và Phật Ca-diếp, ánh sáng chiếu soi; thấy các cõi Pháp, sáng tỏ không nhơ, chắc chắn sẽ có Phật tướng tốt, có lòng thương xót, có trí tuệ sáng suốt ra đời, cho nên có ánh sáng màu vàng rực rỡ, chẳng phải ánh sáng bình thường. Ánh sáng này vượt xa chiếu khắp cung điện của con, ánh sáng mặt trời, mặt trăng, hỏa diệm, minh châu cũng không thể sáng kịp. Ánh sáng của Thiên đế Thích, Phạm tự nhiên lu mờ. Ánh sáng của A-tu-luân cũng không thể kịp. Cung điện của chúng con thường tối tăm, nay bỗng nhiên rực sáng. Chúng con biết rõ thân Đấng Ly cấu được an ổn, trong lòng vui mừng, thân không bệnh hoạn, không nóng bức, được mát mẻ. Vô số ức kiếp siêng năng tinh tấn không còn nghi ngờ, nay Ngài đi đến dưới gốc cây Bồ-đề. Lành thay! Chúng ta hãy cùng mang hoa hương, y phục, anh lạc, trân châu quý, danh hương, bột hương, không hầu, nhạc khí, đến cúng dường, giữ gìn đầy đủ công huân.

Vợ vua rồng nghe việc đó vui mừng hớn hở, ra xem bốn phía, từ xa trông thấy Bồ-tát như núi Tu-di, oai quang trang nghiêm, có trăm ngàn ức chư Thiên vây quanh Ngài. Thích, Phạm phụng kính, trong lòng vô cùng hớn hở. Thấy Ngài ngồi ở giữa đất trống; bấy giờ vợ vua rồng rất vui mừng, đi đến chỗ Bậc Độ đời, gieo mình làm lễ, chắp tay đứng ở trước, lúc ấy rất vui vẻ cúng dường hoa hương, các thứ danh hương, trống nhạc, khen ngợi công huân chân chánh của Bồ-tát.

Lành thay, được gặp Ngài, như mặt trăng tròn đầy. Ngài giáo hóa chúng sinh, cứu giúp đời. Trước kia thấy việc ứng hiện điềm lành của Bậc Chí Thánh, hiện nay gặp Ngài cũng y như vậy, không sai khác. Nay chắc chắn Ngài hàng phục ma quân, mau được diệt độ, cũng giống như cửa hàng thoát khỏi nạn cướp. Xưa kia Ngài từng bố thí, được như sở nguyện, đạt đến nhẫn nhục, tinh tấn mong cầu, ưa thích thiền định, đối đèn trí tuệ, hạnh nguyện xưa kia nay đều được đầy đủ. Chắc chắn Ngài sẽ thành Bậc tối thắng, giống như cây có hoa trái sum suê tươi tốt. Ngài sẽ đạt đến quả Phật diệt độ. Như ngàn suối nguồn, dòng nước vô tận, tất cả đều nổi mây, mưa xuống cùng khắp cõi hư không, nay tâm Ngài vui vẻ, chắn chắn Ngài sẽ thành đạo. Hào quang sắc vàng ròng nơi thân Ngài chiếu sáng cùng khắp cõi Phật. Tất cả các đường ác đều được an vui. Bậc hào quý ở ba ngàn cõi nước, Bậc lương y trong ba đời chắc chắn sẽ thành Phật, sáng soi khắp thiên hạ, giống như núi An minh không có thể nghiêng đổ. Như người có trí tuệ sáng suốt nhìn thấy bốn biển lớn còn có thể khô cạn, nhưng việc Ngài đi đến dưới gốc cây Bồ-đề không còn chướng ngại, chắc chắn sẽ thành Phật đạo.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

-Bấy giờ Bồ-tát nghĩ: “Các Đức Phật trong quá khứ ngồi trên cái gì để thành đạo Vô thượng Chánh chân, làm Bậc Chánh Giác?”. Lại nghĩ: “Chư Phật trong quá khứ ngồi nơi nệm cỏ thành Tối chánh giác”. Vô số trăm ngàn chư Thiên trong hư không biết được tâm niệm của Bồ-tát, liền bảo: “Đúng như ý nghĩ của Đại Thánh, các Đức Như Lai trong quá khứ đều ngồi trên nệm cỏ thành Tối chánh giác”.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

-Khi ấy Bồ-tát thấy ở phía bên phải con đường có một người tên là Cát Tường đang cắt cỏ xanh tươi mềm mại, trơn nhẵn bằng thẳng không rối, đẹp như Thiên y. Bồ-tát liền băng qua đường, đi đến chỗ Cát Tường dùng tâm từ hòa cùng nói chuyện với người cắt cỏ. Ngài bảo với ông ta: “Ta nay muốn diễn bày giáo pháp lành cho khắp tất cả để khuyên giúp người”. Lời nói của Ngài êm dịu, hòa nhã, không cộc cằn. Tâm Ngài an hòa, không có ác ý, trừ sạch dâm, nộ, si, diễn bày âm thanh êm ái. Tám thứ âm thanh sâu xa của Thích, Phạm khó sánh kịp, như tiếng rống của sư tử, cũng giống như tiếng sấm sét. Chúng sinh

của các nước Phật trong mười phương được nhờ ân giáo hóa, đều được an ổn. Có thuyết giảng điều gì, trăm ngàn pháp âm không có thể dứt đoạn, dùng một pháp âm nhập khắp vào các thứ tiếng đều hòa nhau đưa đến giải thoát, vui lòng khắp tất cả chúng hội. Tất cả chư Phật , thuyết pháp đúng thời, với lời lẽ nhân từ.

-Ta muốn được một ít cỏ. Cát Tường hãy cho Ta. Ta muốn được trong ngày nay sẽ hàng phục tà lực, thành Vô thượng giác. Từ vô số kiếp đến nay, Ta đã điều phục tâm ý, xả bỏ các tư tưởng, vâng giữ cấm 5 giới, nay xứng đáng được thành quả Phật. Công lực nhẫn nhục, tinh tấn, trí tuệ, tiếng tăm, trí lực, thiền định, thần thông, thoát môn, đạo- lực, nay sắp đạt được.

Lúc ấy Cát Tường nghe Đạo Sư nói lời thanh tao, hòa nhã nên ị vui mừng hớn hở, thân hòa ý vui, dâng cúng dường Ngài cỏ xanh mềm mại, lập được công phước lớn, vượt qua bờ kia.

Ta thành cam lộ, Cát Tường cho tòa ngồi sẽ được Phật đạo, nhờ cúng dường cỏ vậy. Ta vô số ức kiếp tu hạnh cần khổ, làm biết bao việc, trí tuệ công đức, phương tiện khéo léo, tâm ý vững mạnh, để sau đạt được Phật đạo, chắc chắn thành Bậc Chánh Giác như Ta ngày nay. Nếu đến đạo tràng sẽ dạy bảo cho mọi người được đắc quả như chỗ nguyện cầu. Biết Ta đạt được quả Phật phân chia cam lộ, họ sẽ đi đến nghe pháp, đạt thành Hiền thánh cao tột.

Ngài vừa trải tòa cỏ, đất liền chấn động mạnh. Chư Thiên trên hư không đều cùng chắp tay khen ngợi:. “Ngày hôm nay Ngài hàng phục ỉ sức ma và quyến thuộc của chúng, để thành Cam lộ Vô thượng Chánh chân”.

Phật bảo các Tỳ-kheo.

-Khi Bồ-tát đi đến dưới gốc cây, thì chư Thiên đã hóa hiện tám vạn tòa Sư tử dưới gốc cây Bồ-đề, họ nghĩ: “Sẽ khiến Bồ-tát ngồi ở nơi tòa nghiêm tịnh này để thành Tối chánh giác”. Lại các cây Bồ-đề hoa trái sum suê tươi tốt, toàn là loại cây thơm, cao bốn ngàn dặm, hoặc có cây bằng bảy báu tạo thành, cao tám ngàn dặm, hoặc cao bốn ngàn dặm, hoặc cao một trăm, một ngàn do-tuần, tất cả đầy đủ tám vạn cây Bồ-đề. Vô số Thiên y trải lên trên đó, hoặc trải vô số các loại hoa sen dùng làm giường tòa, Bồ-tát ngồi lên trên. Có tam-muội tên Tịnh diệu định ý chánh thọ, Ngài vừa dùng định Tam-muội chánh thọ này, tất cả các cây Bồ-đề đều có Bồ-tát ngồi, thân tướng trang nghiêm tốt đẹp. Mỗi Thiên tử tự biết Bồ-tát ngồi trên tòa của mình chứ không ngồi nơi tòa khác. Do nhờ oai thần của Tịnh diệu định ý, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh đều được dứt sạch. Chư Thiên, nhân dân, năm đường, chỗ sinh ra các loại chúng sinh đều chính mắt được nhìn thấy Bồ-tát đại sĩ ngồi dưới gốc cây của mình, không thấy ngồi ở chỗ khác. Trong chúng thấp kém đó, người phước đức rất mỏng ít, thấy thân Bồ-tát ngồi trên nệm cỏ, đi đến chỗ Bồ-tát, đi nhiễu bên hữu Ngài bảy vòng. Bây giờ Bồ-tát liền ngồi tòa sư tử tự nhiên, thế lực bền vững, mạnh hơn long tượng. Trí tuệ sáng suốt, tôn quý tự tại không ai sáng kịp, tiếng tốt vang khắp nơi: Bậc bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, nhất tâm, trí tuệ, đạt được phước đức tốt đẹp, có thể hàng phục ma oán. Ngài đang ngồi trên nệm cỏ. Thân ngồi ngay thẳng, tâm ý chánh định, là Bậc có đức độ.

Bấy giờ Bồ-tát ngồi tòa sư tử, như mặt trăng tròn đầy chiếu khắp mười phương. Bồ-tát tự thề: “Nay đây dù cho thân ta có bị hư hoại, xương gân khô kiệt, thân này rã rời, nếu không đạt thành Phật đạo, ta thề quyết không đứng dậy. Từ vô lượng trăm vạn số kiếp đã trải qua bao nhiêu phen tu hạnh cần khổ nay mới đạt được, trọn không thoái lui”.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

-Bấy giờ Bồ-tát ngồi dưới gốc cây Bồ-đề, có ánh sáng lớn tên là Ban tuyên đạo tràng; Ngài phóng ánh sáng đó chiếu khắp vô lượng cõi Phật, chiếu khắp các cõi Phật ở cùng khắp hư không.

Bấy giờ thế giới Ly cấu ở phương Đông, cõi Phật của Như Lai Vô cấu Quang có một Bồ-tát tên là Diệu Nghiêm Quang, hào quang chiếu sáng, cùng với vô số Bồ-tát quyến thuộc đi đến đạo tràng. Vừa đến chỗ cây Bồ-đề, họ thấy các nước Phật ở các phương Nam, Tây, Bắc và bốn phía trên, dưới, trong mười phương, khắp cả hư không, chỗ có cõi Phật đều có Bồ-tát ngồi nơi đạo tràng dưới một gốc cây, in như thấy ở gần sát bên nhau. Năm đường chúng sinh lần lượt thấy nhau, đều thấy Bồ-tát rõ như thấy các ngón tay của mình. Vì sao Đại Thánh vi diệu như vậy? Các Bồ-tát kia thấy hình tượng của Ngài, khi ấy nói kệ:

Không tỳ vết trần lao

Nhổ sạch các cấu uế

Thân sáng chiếu mười phương

Vượt hẳn ánh sáng khác

Do phước tuệ đỉnh ý

Chứa từ vô sô kiếp

Bậc Tối Thắng Năng Nhân

Hiện khắp cả mười phương.

Bấy giờ thế giới Bảo tịnh ở phương Nam, cõi Phật của Như Lai Bảo Diễm, có Bồ-tát tên là Hiện Bảo Tích Cái, hào quang chiếu sáng, cùng với vô số Bồ-tát quyến thuộc vây quanh, đi đến cây Bồ-đề cúng dường Bồ-tát. Ngài cầm một cái lọng báu che khắp cả đạo tràng. Thích, Phạm, Tứ thiên lần lượt bảo nhau:

-Mang lọng nghiêm tịnh là để cúng dường ai?

Khi ấy từ trong lọng báu phát ra bài kệ:

Đã trăm ngàn triệu năm

Bố thí không ai bằng

Thường mang lòng từ lớn

Nay có tướng đặc biệt

Bồ-tát tỏa ánh sáng

Nay đến Phật đạo tràng

Thế lực khó thể kịp

Nên đến cúng dường Ngài.

Bấy giờ thế giới Hoa nghiêm thần thông ở phương Tây cõi Phật Như Lai Tu-di Tượng, có Bồ-tát tên là Vô Trước Quang Minh, hào quang chiếu sáng, cùng vô số Bồ-tát đi đến đạo tràng, căng màn trướng báu. Thiên, Long, Quỷ thần, Càn-đạp-hòa trong mười phương lần lượt bảo nhau:

-Ánh sáng nghiêm tịnh này từ đâu đến?

Khi ấy trong màn báu phát ra bài kệ:

Xe báu và y báu

Cao che hết ba cõi

Nhạc quý và mắt quý

Mặc áo giáp tinh tấn

Nay sẽ được Phật đạo

Chúng Bồ-tát đều đến

Đến đây trang trí báu

Cúng dường Bậc Tối Thắng.

Bấy giờ thế giới Nhật chuyển ở phương Bắc, cõi Phật của Như Lai Tuế Nhật Nguyệt Quang, có Bồ-tát tên là Tịnh Vương, hào quang chiếu sáng, cùng vô số Bồ-tát đi đến đạo tràng.

Các thế giới trong mười phương, nơi nào có đạo đức thanh tịnh đều hiện ra tòa cao. Khi ấy chúng Bồ-tát đều nói như sau:

-Nay ai đi đến chỗ này mà nghiêm tịnh như thế? Trong cảnh nghiêm tịnh ấy, phát ra bài kệ:

Vị nào thân thanh tịnh

Có nhiều công đức tuệ

Việc làm, miệng thanh tịnh

Diễn giảng giáo pháp này

Tâm vị đó thường tịnh

Hằng phát tâm Từ bi

Nay đến cây Bồ-đề

Cúng dường Đấng Thích Tôn.

Bấy giờ thế giới Đức vương ở phương Đông nam, cõi Phật của Như Lai Đức Minh Vương có Bồ-tát tên là Đức Âm Quang Minh, hào quang chiếu sáng cùng vô số Bồ-tát quyến thuộc vây quanh đi đến đạo tràng cúng dường Bồ-tát, họ mang theo đài trang trí bằng ngọc báu, trong đó có tòa cao. Từ trong đài đó phát ra bài kệ:

Công đức Ngài vô lượng

Tu-luân, Quỷ, Hưu-lặc

Đức Ngài ngang phước vua

Đem dâng lên đạo tràng.

Bấy giờ thế giới Lạc thành ở phương Tây nam, cõi nước của Đức Phật Như Lai Bảo Lâm có Bồ-tát tên là Bảo Quang Minh, hào quang chiếu sáng, cùng vô số Bồ-tát đi đến đạo tràng cúng dường Bồ-tát, mang theo đài trang trí bằng vô lượng châu báu, bên trong đài có tòa cao, trong đài đó, phát ra bài kệ:

Ngài Thiện Ý cung kính

Cúng vô số trân bảo

Giảng đường và mái hiên

Bỏ thân và xe cộ

Lọng hoa trang trí đẹp

Vườn hoa rất tươi thắm

Thí đầu mặt chân tay

Do đó ngồi đạo tràng.

Bấy giờ thế giới Vũ thị ở phương Tây bắc, cõi Phật của Như Lai Vũ Hương Vương, có Bồ-tát tên là Tích Lôi Vũ Âm Quang Minh, hào quang chói sáng cùng vô số Bồ-tát đi đến đạo tràng cúng dường Bồ-tát, họ mang theo các đài trang trí bằng hương thơm, bên trong có tòa cao, trên tòa cao có rải các loại danh hương. Từ trong đài đó phát ra bài kệ:

Mưa pháp khắp ba cõi

Đủ giải thoát sáng suốt

Mưa cam lộ ly dục

Đến diệt độ vô vi

Tiêu tất cả trần lao

Dứt hết độc trói buộc

Tiêu tất cả các bụi

Dứt hết độc trói buộc

Sức thiền tư thần túc

Tạo ba phẩm hoa hương.

Bấy giờ thế giới Lạc bạch giao ở phương Đông bắc, cõi Phật của Như Lai Bảo Cái Khởi Quang, có Bồ-tát tên là Nghiêm Bạch Trướng Quang Minh, hào quang chiếu sáng, cùng vô số Bồ-tát đi đến đạo tràng cúng dường Bồ-tát, màn che trang trí của họ lấy các thứ báu làm nền, hóa Bồ-tát tướng hảo nghiêm tịnh. Các vị Bồ-tát đó đều cầm hoa hương cõi trời, hạ mình cúi đầu thuyết kệ:

Xem đại chúng cung kính

Khen ngợi Phật ức lần

Lời nói như Phạm thiên

Cúi đầu đến đạo tràng.

Bấy giờ thế giới Phổ minh ở phương dưới, cõi Phật của Như Lai Phổ Hiện, có Bồ-tát tên là Bảo Tạng Quang Minh, hào quang chiếu sáng, cùng vô số Bồ-tát đi đến đạo tràng cúng dường Bồ-tát. Có một tòa hoa sen bằng vàng ròng cao rộng, sáng chói rực rỡ, tự nhiên hiện đến. Trên hoa sen ấy có hóa hiện một vị trời, tay phải cầm anh lạc báu, buông thòng các cờ lụa rực rỡ, hạ mình cúi đầu thuyết kệ:

Thân con luôn cung kính

Thường lạy đệ tử Phật

Lạy Phật bỏ tự kiêu

Ta lạy huân công đức.

Bấy giờ, thế giới Hư không ở phương Trên, cõi Phật của Như Lai Vô Hạng Nhãn Vương, có Bồ-tát tên là Hư Không Tạng Quang Minh, hào quang chiếu sáng cùng vô số Bồ-tát đi đến đạo tràng cúng dường Bồ-tát. Mười phương cõi Phật như cõi hư không tập trung các thứ hoa, các thứ danh hương, bột hương, y phục, lọng hoa, tràng phan, vàng bạc, các thứ báu, voi, ngựa, xe cộ, cây lá hoa quả. Các nam nữ lớn nhỏ, thuộc Kiền-đạp-hòa, Chân-đà-la, Thiên, Lọng, Quỷ thần, Thích, Phạm, Tứ vương cùng lúc thả các thứ ấy xuống, khiến các chúng sinh mừng rỡ vui sướng. Nếu có người nào sợ hãi, khiến cho không còn sợ nữa. Khi ấy, đọc kệ:

Dạy hay như Bồ-tát

Xin xót thương đắc đạo

Đạt đến chỗ nghiêm tịnh

Đức cao, oai thần lớn

Hoặc mưa trên hư không

Buông trăm ngàn ngọc báu

Hoặc trang hoa báu thơm

Hoặc danh hương các loại

Hoặc rống tiếng sư tử:

Không, vô tướng, vô nguyện

Lớn tiếng giữa hư không

Chưa từng thấy hoa này

Hoặc ở trên cõi không

Đã hiện ngàn ức báu

Hiện lành khắp hư không

Khen phước thần Bồ-tát

Đúng thời phóng ánh sáng

Che lấp cung điện ma

Hoặc hiện cờ hoa báu

Phước lớn đến Bồ-đề

Minh châu dừng hư không

Như trăng sáng tròn đầy

Hoặc hóa hoa Tu-mạn

Mưa Bồ-đề đạo tràng

Hoặc đầu mặt cúi lạy

Thiên tử tâm cung kính

Hoặc lớn như Tu-di

Rải hoa trên hư không

Ban bố khắp bốn phương

Xông đốt các hương thơm

Tay cầm giữ gậy báu

Xa nhìn thấy Bồ-tát

Hoặc hiện dáng Phạm thiên

Thanh thản lặng lẽ ngồi

Thân tỏa hương thơm ngát

Từ, Bi, Hỷ, Xả khắp

Hoặc như Thiên đế Thích

Ức năm trời vây quanh

Đi đến đạo tràng Phật

Chắp tay dâng minh châu

Hoặc đến bốn phương cõi

Kiền-đạp, Quỷ, Chân-đà

Mưa hoa Tu-mạn sáng

Chư thần này khen ngợi

Hoặc cầm nắm hoa hương

Rải cây lá hoa thơm

Phật tử hiện nửa người

Cúi mình rải hoa hương

Hoặc nhận Phân-đà-lợi

Sen xanh vô số hoa

Trụ ba mươi hai tướng

Khen Ngài không nhiễm trước

Thân lớn như Tu-di

Nơi hư không tự ném

Cờ phướn và hoa hương

Ba ngàn nước Phật hiện

Thấy trời đất bừng sáng

Thấy hết các hợp tan

Khiến vào hạnh pháp môn

Trời nghe không ham dục

Hoặc xướng âm Chân-đà

Nhan sắc đẹp vẹn toàn

Trang nghiêm như ngọc nữ

Thiên nhân thấy không chán

Thân kim cang không hoại

Tâm hành bỏ tự đại

Miệng nói lời đạo nghĩa

Thân sáng trừ trần cấu

Địa điểm báu tay báu

Đã trăm ngàn cờ lọng

Mưa hoa báu, hương thơm

Chúng sinh khổ được an

Đất hiện kho báu lớn

Hoặc thuyết vô số kinh

Biện tài khiến ý rõ

Giải chúng sinh mê hoặc

Vững như núi không sợ

Hết loạn độ được an

Mười phương vô số nước

Nay giác ngộ cam lộ.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

-Cảnh giới nghiêm tịnh của Bồ-tát như thế là cõi nước tự nhiên, như các cõi Phật của chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại. Đạo tràng nghiêm tịnh của Bồ-tát đều có các đài gác trang trí bằng ngọc báu hiện ra khắp nơi. Bồ-tát ngồi như vậy nơi tòa cao này, nghĩ: “Trong hàng chư Thiên ở cõi Dục này, ma Ba-tuần là đáng chú ý nhất. Nay, ngay khi thành đạo Chánh chân vô thượng, làm Bậc Tối Chánh Giác, sẽ cảm hóa, khiến cho ma đến nơi đây, nhân đó ta hàng phục. Và nhờ vậy mới nhiếp hóa các Thiên tử cõi Dục đầy đủ gốc đức và hàng ngũ thiên ma, chứng kiến Sư tử hống, hàng phục tất cả, thành Tối chánh giác, như vậy mới phát khởi được chúng sinh trong ba cõi tin tưởng theo Thánh pháp”.

***

Phẩm 17: VỜI MA

Phật bảo các Tỳ-kheo:

-Khi ấy Bồ-tát có ánh sáng tên là Tiêu ma cung trường, phóng ánh sáng đó chiếu khắp ba ngàn cõi Phật, không một chỗ nào là không chiếu đến, sáng rực cả cung điện của ma, đều bao trùm hết thảy. Từ ánh sáng đó làm cho ma Ba-tuần nghe được lời dạy này của Bậc Đại Thanh Tịnh, từ vô số kiếp chứa công nhóm đức, bỏ nước, bỏ ngôi vua, lòng xót thương chân chánh đôi với tất cả chúng sinh, muốn thành Phật ngồi ở dưới gốc Bồ-đề, tự thân mình đã độ, muốn cứu độ người khác; tự thân mình đã vượt khỏi ba cõi, sẽ độ người khác vượt khỏi ba cõi; tự thân mình đã được an ổn, sẽ làm cho tất cả đều được an ổn; tự thân mình được tịch diệt, làm cho người khác được tịch diệt, ở chỗ vắng vẻ, tiêu diệt các đường ác làm cho không còn nữa, làm Sư Phụ cho tất cả chư Thiên và người đời, đã đạt thần thông, vĩnh viễn đạt được sự an vui lớn, đem sự an vui mát mẻ đó làm an vui cho tất cả chúng sinh. Sẽ khiến cho cảnh giới của người trống rỗng, và những điều ràng buộc của người khiến cho không còn các thế lực, mất hết các quyến thuộc, trong tâm bế tắc không biết đâu mà tính, sẽ tuôn mưa pháp nhuần thấm tất cả.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

-Khi ma Ba-tuần nghe lời dạy này, trong giấc ngủ nằm mộng thấy ba mươi hai điềm khác lạ:

1. Cung điện tối tăm không sáng.

2. Thấy cung điện nhơ nhớp không sạch.

3. Thấy cung điện đổ nát, mọc đầy gai góc.

4. Thấy sợ hãi, sởn tóc gáy, bỏ chạy tứ tán.

5. Thấy mê lầm, bị lạc đường, đi vào đường quanh co gai góc, ngói đá.

6. Thấy ở vườn sau, cây cối không có hoa trái.

7. Thấy nước ao cạn khô không có các loại hoa sen.

8. Thấy các loài chim le le, nhạn, uyên ương, chim loan cả trăm loại cùng các loài cầm thú đều không có lông không có cánh.

9. Thấy các loại trống lớn, không hầu, nhạc khí bị hư hoại, dây đứt, vứt bỏ ngổn ngang trên đất.

10. Thấy bỏ vợ con quyến thuộc ái kính thương yêu, ở riêng chỗ khác.

11. Thây thân mình từ trên giường rơi xuống đất lỗ đầu, rách mặt.

12. Thấy các ma tử sức oai thần mạnh mẽ đều đến cúi đầu xin quy mạng Bồ-tát.

13. Thấy bốn nữ ma quên mất thời tiết, hóa làm bà già.

14. Tự thấy thân mình y áo, thân thể dính đầy bụi đất nhơ nhớp.

15. Tự thấy vách tường, mái hiên lầu gác, cửa ngỏ nghiêng đổ.

16. Tự thấy quân lính quỷ thần, Duyệt-xoa, Yểm quỷ, Kiền-đạp- hòa, Thiên, Long, quyến thuộc, tất cả tay chân, thân hình và đầu của họ đều rơi xuống đất.

17. Thấy chư Thiên ở cõi Dục, Thiên đế Thích, Diễm thiên, Đâu-suất thiên, Vô kiêu lạc thiên, Hóa tự tại thiên đều tự bỏ đi, không theo lời dạy của mình.

18. Thấy những kẻ ở trong cung điện của ma cả đầu bị bịt kín.

19. Thấy sự tự tại của mình nay không còn nữa.

20. Tự thấy quyến thuộc không quy phục mình.

21. Thấy mũ, khăn bao tóc, châu ngọc, anh lạc tự nhiên bị lửa đốt cháy.

22. Thấy cung điện của ma tự nhiên chấn động.

23. Thấy các cây cối bị chặt đứt ngã trên đất.

24. Thấy những việc vừa ý đều không còn hiện trở lại.

25. Thấy nước tràn ngập nhận chìm cung điện.

26. Thấy nước sông cuốn trôi nhà cửa của dân.

27. Thấy tất cả Thiên vương đều đến quy mạng Bồ-tát, chiêm ngưỡng nhan sắc của Ngài.

28. Thấy thân đang nằm trên giường tự nhiên rơi ra ngoài.

29. Thấy quyến thuộc của mình bỏ đi, nương về với Bồ-tát.

30. Thấy bếp nồi tốt đều bị hư hoại.

31. Thấy Phạm vương, các ma quan thuộc tuyên truyền những điều không lành.

32. Xem thấy cả chúng sinh trong mười phương quy y Bồ-tát, theo nhận lãnh lời giáo hóa của Ngài.

Phật bảo các Tỳ-kheo.

-Ma ở trong giấc mộng thấy các điều khác lạ như thế, khi ấy từ chiêm bao thức giấc, trong lòng sợ hãi, sởn tóc gáy, triệu tập đại thần và các binh chúng báo cho họ biết những điều đã thấy trong giấc mộng. Ma có vị đại thần có trí tuệ tên là Sư Tử An. Ma vương hỏi vị đại thần này và các người nhóm họp:

-Ta trong giấc mộng nghe trong không trung tự nhiên phát ra âm thanh: “Dòng họ Thích sinh con, thân có nhiều tướng tốt, trong suốt sáu năm tu hạnh cần khổ nay đến bên gốc cây Bồ-đề sẽ thành Chánh giác”. Thức dậy, ta nghĩ: Nay Bồ-tát đây độ vô số nhân dân, chắc chắn cảnh giới của ta đây sẽ trống rỗng, sẽ không còn một ai. Nên ngăn cản việc đó, người có đức như vậy sẽ chóng thành Phật đạo, gọi là Pháp vương, khắp nơi sẽ về nương theo nơi Ngài, chúng ta nên dùng phương tiện gì để chặt dứt đường đi đó, khiến không thể thành tựu được? Đem đại Binh đi chinh phục?

Khi ấy nói kệ:

Đem tướng và đại Binh

Cùng đi đến trừ Phật

Mau đến gốc cây kia

Giết ngay Sa-môn này

Binh tướng của bốn bộ

Họ đều yêu kính ta

Cùng ta đồng chiến đấu

Nhanh chóng đến đuổi Phật

Duyên giác và La-hán

Đầy khắp trong thiên hạ

Diệt trừ binh chúng ta

Khiến không còn thế lực

Như vậy sẽ thành Phật

Vua pháp của trời đất

Phe phái rất mạnh mẽ

Mãi mãi sẽ làm Phật.

Bấy giờ, con của ma Ba-tuần là Đạo Sư vì cha nói kệ:

Mặt đại nhân sao khác

Nhan sắc không như thường

Như Thiên nhân Đao-lợi

Thân Ngài không điều hòa

Nay Ngài thấy thế nào

Mau nói cho con biết.

Sẽ thấy ngay gốc ngọn

Chữa tật bệnh cho Ngài

Nghe lời Thiên nhân nói

Nằm ngủ thấy ác mộng

Nếu nói ra trong chúng

Nghe rồi, thân tự ngã.

Đạo Sư tự đi đến thưa với vua cha:

-Con nhóm họp đại chúng, tuy có lên tiếng nhưng không thể nào hơn, không thể nào không xấu ác. Mọi người sinh tâm, hoặc có nơi hưởng ứng, hoặc có nơi không. Như vậy, Bồ-tát với âm vang tốt, từ nơi gốc cây nay ứng hiện điềm lành, đó là điều an vui, không tỏ ra khinh mạn. Con xem xét chắc chắn Ngài đầy đủ các sự an lành. Ngài khéo léo và ít bày chuyện nên không sinh ra tội lỗi. Con thấy Ngài tịch lặng, thật đúng là Bậc Đạo Sư, Điều Ngự, không bày các huyễn thuật, không vì cái ngã của mình, thành tựu hạnh an vui, là một Bậc Đạo Sư chân chánh.

Đạo Sư lại nói:

-Cũng có người có oai lực mà không đủ sức, tự nhiên yếu ớt, vì bậc dũng sĩ thực hành từ bi sẽ được vượt hơn. Ví dầu ánh sáng nơi con đom đóm đầy cả ba ngàn cõi, thì ánh sáng đó cũng chỉ có một tí làm sao có thể chiếu khắp mười phương thiên hạ? Trong lòng ôm ấp sự nhơ nhớp, dối đạo, theo thói mê hoặc, khinh thường bậc minh trí, bệnh đó khó chữa, không có thể lay chuyển, ngàn ức Đức Phật cũng không có thể chữa được.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

-Bấy giờ ma Ba-tuần không nghe theo lời của Đạo Sư, liền triệu tập một ngàn người con. Năm trăm người con đồng vâng theo Đạo Sư tin ưa đạo đức, quy y Bồ-tát, đứng ở phía bên phải của Bồ-tát. Năm trăm người con vâng theo lời dạy của ma cha đứng ở phía bên trái của Bồ-tát.

Bấy giờ ma Ba-tuần bảo các người con:

-Các con dốc lòng cùng lập mưu kế, dùng thế lực gì để thắng được Bồ-tát?

Người con đứng bên phải tên là Đạo Sư nói kệ trả lời ma cha Ba-tuần:

Các con tranh cãi đâu có hay

Tự nhận cãi lý mong dứt gốc

Trùng nhỏ muốn đấu cùng sư tử

Sức mạnh như thế sao thắng Phật?

Người con đứng bên trái tên Ác Mục, dùng kệ trả lời:

Vừa thấy thân con, sức liền tổn

Như cây trốc gốc, cành nhánh gãy

Nay đây Sa-môn thấy con đứng

Vừa mới nhìn con đà nghẹt thở.

Người con bên phải tên Nhuyễn Âm đọc kệ đáp:

Muốn dùng sợ hãi tiêu biển lớn

Việc làm điên đảo cầu an vui

Nay thấy sắc diện của Bồ-tát

Con không gọi cha là đặc biệt.

Người con bên trái tên Bất Tịnh đọc kệ đáp:

Hiện có một mình muốn được hơn

Ngươi làm Sa-môn lặng lẽ lui

Nay binh chúng ta nhiều vô số

Đều cùng cương quyết hại ngươi thôi.

Người con bên phải tên Thiện Ý nói kệ:

Voi lớn bị xiềng do có sức

Mạnh cầm kim cang, thầm hại người

Lập được nhẫn lực chưa mềm mỏng

Khiến các sức mạnh không hiệu lực.

Người con bên trái tên Cường Oai lập lại bài kệ:

Tuy thân Bồ-tát sáng tiêu bệnh

Con vào nơi kia phá hoại hết

Giữ gìn căn lành như kiếp thiêu

Thân con sẽ phá hại Bồ-tát.

Người con bên phải tên Thiện Nhân dùng kệ trả lời:

Núi có thể động, hư không đổ

Nước biển lớn kia còn thể cạn

Hư không có thể đi trên đất

Chưa được cam lộ không rời cây.

Người con bên trái tên Sở Nhập Biến lại dùng kệ đáp:

Ánh sáng nhật nguyệt còn thể che

Cung điện ma vương ẩn dưới nước

Lấy một giọt đâu cạn biển sông?

Binh tướng quay về, chớ náo động.

Người con bên phải tên Đứt Duyệt, lại nói kệ:

Ánh sáng có thể diệt

Thiết vi có thể nhơ

Thanh tịnh của Bồ-tát

Một mình, không thể chống.

Người con bên trái tên cầu Tiện, liền đọc kệ trả lời:

Không binh không đảng gọi thuần thục

Diện Ngài xinh đẹp, không giáp trượng

Chưa thấy không binh mà chiến đấu

Như Ta hôm nay chắc hại nhau.

Người con bên phải tên Đức Nghiêm nói kệ đáp:

Không thể tự nói theo ý mình

Lòng sẵn sức mạnh nhẫn tinh tấn

Hành tam thoát môn, trí tuệ tài

Đức lực là binh tướng hàng phục.

Người con bên trái tên Bất Hoàn đọc kệ đáp:

Sẽ hại Bồ-tát như đốt cỏ

Sử dụng linh chú khó tránh tên

Người rành thần chú phá núi tan

Làm cho Thái tử phải chạy thôi.

Người con bên phải tên Pháp Lạc dùng kệ đáp:

Hư không dù hết khiến có hình

Cõi chúng sinh có thể đồng nhất

Gió lạnh dịu dàng có thể nắm

Bồ-tát dưới cây không thể dời.

Người con bên trái tên Đạm Phạ đọc kệ:

Cảnh giới cha ta bày tự nhiên

Mọi người ưa muốn đều có được

Phải phá hoại tánh mạng Bồ-tát

Đến khi cây nguy mới bỏ đi.

Người con bên phải tên Nhất Thiết Cát nói kệ:

Giả sử đồ vậy ba ngàn cõi

Biến thành chất độc, không thể hại

Độc dâm, nộ, si là hơn hết

Cũng không thể hại được Bậc Thánh.

Người con bên trái tên Nhạo Tham nói kệ:

Trăm ngàn ngọc nữ tự trang nghiêm

Đánh lên vô số các âm nhạc

Luôn luôn ưa thích muốn thọ lạc

Để được thỏa mãn các dục vọng.

Người con bên phải tên Pháp Hành nói kệ:

Dùng pháp ưa thích để tự vui

Kính mến thiền định, ưa cam lộ

Độ thoát chúng sinh dùng lòng Từ

Sao lại có tâm ưa dục lạc?

Người con bên trái tên Hảo Kỳ nói kệ:

Trăng trên không có chỗ đến

Trừ bỏ tối tăm nên trong sáng

Chúng ta ngày nay được Sa-môn

Hủy diệt các giác nghiệp đã làm.

Người con bên phải tên Sư Tử Hống nói kệ:

Vô số cáo đồng cùng kêu lên

Đâu bằng tiếng rống con sư tử

Trăm thú nghe tiếng lòng sợ hãi

Run rẩy kinh sợ chạy bốn phương

Nay đây các ngươi cũng như vậy

Không nghe Nhân Tôn giảng dạy pháp

Tự tôn ba hoa nói dối trá

Nghe Thánh sư tử rống hàng phục.

Người con bên trái tên Niệm Ác nói kệ:

Nay đây chúng hội nhiều vô số

Làm sao thấy được người nào hơn

Người ngu thấy vậy không bỏ chạy

Lại nói hàng phục là nói dối.

Nói tóm lại, tất cả con của ma, nhóm thanh bạch và nhóm hắc ám, mỗi nhóm đều nói kệ. Khi ấy có một tướng quân tên Hiền Thiện vì ma Ba-tuần nói bài kệ này:

Sự hiểu biết của Ngài

Thích, Tứ vương, Chân-đà

A-tu-luân, Ca-lưu

Chắp tay cúi đầu lạy

Huống là không cảm phục

Phạm Thiên và Quang Âm

Tịnh cư, các Thiên tử

Cũng đều tự quy mạng

Nay các con của ta

Theo Ngài, nhận lời dạy

Hộ đều kính Bồ-tát

Đến đây đều cúi đầu

Nay đây chúng ma quân

Ba ngàn hai trăm dặm

Cung kính, tâm vui vẻ

Trong lòng rất hớn hở

Thấy Ngài mặt hòa vui

Trăm ngàn trời mưa hoa

Vô số thần cúng dường

Chư Thiên xuống kính chào

Việc làm của các ma

Rối loạn không thành trò

Lui về là có trí

Chắc không thắng được Ngài.

Cây Bồ-đề Cát Tường

Tất cả các loài chim

Không sợ, hót líu lo

Không thắng, không lui về

Chỗ ở của các ma

Mưa mực và bụi đất

Đạo tràng mưa các hoa

Chỉ xin nghe trở về

Trú xứ của các ma

Hố, ngòi rải, tật lê

Đến đạo tràng xông hương

Người trí nên nguyện về

Điềm mộng xưa thấy rõ

Tại sao không hướng về

Vì dục, hay ngại gì

Chỗ ở đã bị phá

Lạm bày dạy bảo người

Si giận với Đại tiên

Siêng năng đáng khen ngợi

Mưa sấm không sinh cỏ

Tinh tấn Tiên nhân về

Thích hợp thường hội ngộ

Do không hại chúng sinh

Đứng đầu được tự tại

Thiên vương không nghe sao

Thân tướng sáng chiếu xa

Bỏ nước không gì khác

Thành Phật sạch trần lao

Thân Ngài sạch như vậy

Tiên nhân cung kính Ngài

Lơ là không thọ giáo

Nên đến chỗ chí tôn

Lông trắng giữa chặng mày

Nếu bày ánh sáng đó

Bao trùm nhiều cõi nước

Cung điện ma không hiện

Không thể thấy đảnh Ngài

Xem kỹ cũng khó thấy

Không ai có thể xem

Thành tựu Chánh chân giác

Như Tu-di, Thiết vi

Nhật nguyệt, Thiên đế, Phạm

Thổ địa các đạo tràng

Rừng núi đều cúi đầu

Phước lực, có trí lực

Thánh lực, tinh tấn lực

Nhẫn lực, Thiền tư lực

Ma lực tiêu, vô lực

Như ngói làm đồ dùng

Chắc sẽ mau hư hoại

Cầm thú so sư tử

Đom đóm sánh nhật nguyệt

So sánh không ai bằng

Rắn so với Sư tử

Quán sát nơi Bồ-tát

Không thấy ai sánh bằng.

***

Phẩm 18: HÀNG PHỤC MA QUÂN

Bấy giờ, ma Ba-tuần trong lòng bối rối sợ hãi, mặt mày tái mét, gượng giữ sắc diện không chịu bỏ đi, không muốn rút lui, cố nói càn: “Việc làm của ta là phải”, và bảo với binh chúng:

-Các khanh hãy cùng đồng lòng với nhau, theo ta biết, chư Thiên quỷ thần áp đảo Bồ-tát, không để cho ông ta tự tại, phải cùng nhau hàng phục được ông ta rồi mới bỏ đi.

Ma Ba-tuần bảo với bốn người con gái của mình, người thứ nhất tên Dục Phi, người thứ hai tên Duyệt Bỉ, người thứ ba tên là Khoái Quan, người thứ tư tên Kiến Tùng:

-Các con hãy đi đến chỗ cây Bồ-đề nhằm mê loạn Bồ-tát và ca ngợi đức của ái dục để phá hoại hạnh thanh tịnh của ông ta.

Các người con gái nghe cha dạy liền đi đến cây Bồ-đề, đứng ở trước Bồ-tát, dùng ba mươi hai cách nói ủy mị và những hành động ẻo lả:

1. Đưa mắt liếc nhìn.

2. Vén áo bước tới.

3. Cùng cười khúc khích.

4. Cười cợt với nhau.

5. Hiện tướng luyến mộ.

6. Cùng nhìn ngắm nhau.

7. Uốn môi, nhếch miệng.

8. Nhìn ngắm bất chính.

9. Nhìn thoáng khêu gợi.

10. Vái lạy lẫn nhau.

11. Đưa tay che mặt.

12. Vân vê hai tay.

13. Đứng ngay giả vờ lắng nghe.

14. Ở trước Bồ-tát nhảy, giẫm chân.

15. Phơi bày bắp vế, cổ chân.

16. Để trần cánh tay.

17. Giả tiếng kêu của các loài chim.

18. Hiện như soi gương.

19. Phát ra ánh sáng bao trùm cùng khắp.

20. Thoạt vui, thoạt buồn.

21. Thoạt đứng, thoạt ngồi.

22. Trong lòng hăng hái vui vẻ.

23. Lấy hương thơm xoa lên thân.

24. Cầm anh lạc báu.

25. Ẹo cổ che đầu.

26. Biểu hiện vẻ yên tịnh.

27. Tới trước Bồ-tát nhìn khắp thân Ngài.

28. Mở mắt, nhắm mắt như cố xem xét.

29. Cúi đầu nhắm mắt như không nhìn ngắm.

30. Khen ngợi ái dục.

31. Dụi mắt nhìn thẳng.

32. Cúi xuống, ngước lên nhìn khắp bốn phía.

Tâm Bồ-tát thanh tịnh giống như ngọc minh nguyệt, không một chút tì vết, giống như mặt trời mới mọc, chiếu ánh sáng cùng khắp thiên hạ, giống như hoa sen ở trong vũng bùn mà không bị cấu nhiễm, như núi Tu-di không có thể lay động. Đức Ngài cao vời, các căn vắng lặng, tâm Ngài bình thản, không thêm không bớt.

Bấy giờ, mấy người con gái của ma khéo học theo các nghề mê hoặc huyễn hóa của người nữ, đi đến muốn làm loạn đạo tâm của Ngài mà nói thêm:

-Đức của Ngài rất lớn, chư Thiên cung kính, đáng có sự cúng dường, cho nên chư Thiên sai chúng tôi đến đây. Chúng tôi đã xinh đẹp lại đang thời trẻ trung khỏe mạnh, là Thiên nữ đoan chánh, sắc hoa Ưu-bát đâu có thể dụ với sắc đẹp của chúng tôi. Chúng tôi nguyện được sáng chiều ở hai bên Ngài hầu hạ việc thức ngủ.

Bồ-tát đáp:

-Ngươi có phước ở đời trước nên được làm thân trời, không nghĩ đến vô thường mà lại đi làm những việc yêu mị. Thân hình tuy đẹp đẽ mà lòng không đoan chánh, giống như cái bình bên ngoài vẽ vời xinh đẹp mà bên trong đựng đầy thuốc độc hôi thối, sắp tự hư hoại, có gì đặc biệt. Phước đức khó tồn tại lâu dài; dâm, ác, bất thiện, tự quên mất cội nguồn của mình, chết liền đọa trong ba đường ác, nhận lấy hình chim thú, muốn thoát rất khó. Các ngươi cố đến làm rối loạn người có tâm ý tốt, thật chẳng phải là dòng giống thanh tịnh. Cái đãy da đựng đầy những thứ nhơ nhớp, đến đây làm gì? Hãy đi đi, ta không dùng! Nay các cô gái ở trên trời không yên hay sao lại đến đây quậy phá?

Các người con gái của ma vương bỗng biến thành những bà già, không có thể phục hồi trở lại, liền trở về chỗ của ma cha nói kệ.

Giới cấm thanh tịnh không ưa nhìn

Nhìn Ngài cung kính không sân hận

Xét xem oai nghi không ngu tối

Thân tướng tốt đẹp rất an tường

Thích nói tì vết của nữ nhân

Đã lìa ái dục không lưu luyến

Trên trời, thế gian không ai bằng

Không thấy người chân hạnh như thế

Đi đứng tới lui thấy nữ nhân

Vẫn thanh tịnh trang nghiêm rực rỡ

Giữ vững một lòng không tì vết

Như núi An minh không thể lay

Xét phước, uy thần và công huân

Từ vô số kiếp giữ cấm giới

Vô số ức Phạm thiên thanh tịnh

Đầu mặt cúi lạy chân chân nhân

Chắc sẽ hàng phục binh ma ta

Chóng thành đạo đức chư Phật trước

Cho nên chúng ta không thể tranh

Mong được Thế Tôn chữa tất cả

Ngài như minh châu báu trên không

Vô số Bồ-tát đến cung kính

Vô số hình tướng như hoa đẹp

Ca-lưu, Tu-luân, núi, cây cối.

Các loài hữu tình và vô tình

Cùng đến cúng dường Đấng Thập Lực

Giữa chặng mày Ngài hào quang sáng

Ánh sáng rực rỡ chiếu khắp nơi

Nơi đi đến không cần tự tiện

Nhận lãnh căn bản không thể mất

Không giận, không phiền, không sở hữu

Sinh hoạt hằng ngày luôn thiểu dục.

Bấy giờ thọ thần thấy oai thần của Bồ-tát, rất sợ hãi, nương oai lực của Phật, nói những lời chí thành và cùng nhau dùng mười sáu việc khen ngợi Bồ-tát:

-Nay Bậc thanh tịnh rất đẹp đẽ rực rỡ như mặt trăng rằm tròn đầy chiếu sáng cùng khắp mọi nơi, giống như mặt trời mới mọc, chiếu sáng khắp cả thiên hạ, như bông hoa tươi đẹp không nơi nào là không tỏa mùi hương. Các tướng đặc biệt tốt đẹp như sắc vàng ròng, ung dung thư thái. Các căn vắng lặng giống như hoa sen ở trong ao tắm. Diễn thuyết có oai lực như sư tử rống, nhưng có sự đặc thù giống như Bồ-tát ở giữa rừng sâu một mình không hề sợ hãi. Những hạnh Ngài đã tu tập là độc tôn trong loài người. Ví như núi An minh ở giữa biển lớn, một mình vọt lên sáng rực, bằng phẳng, vững chắc như núi Thiết vi, vượt lên trên hết thảy các núi. Công huân của bậc Tôn quý vang khắp gần xa, như nước đầy đủ giữ gìn trời đất. Ý chí của Ngài lớn lao thù đặc; tâm Ngài không giới hạn, giống như hư không. Tâm Ngài ngay thẳng sáng suốt không ai sánh bằng, giống như trời đất, là chỗ chúng sinh, ngưỡng mộ. Tâm Ngài trong sạch không bị nhiễm ô, dân chúng vui mừng vô cùng. Ý Ngài trong sáng, nhìn thấy khắp tất cả. Tất cả chúng sinh đều ưa thích Ngài. Hễ có sự độ thoát thì có sự siêu vượt, chặt dứt hết thảy các niệm tưởng. Sức Ngài vô thượng, giống như móc xích, không có gì là không bị phá dẹp. Việc làm tinh tấn, ý chí kiên cố. Các sự nghi ngờ trói buộc đều được giải tỏa. Trở lại hàng phục chúng ma xua đuổi binh chung, khiến trở về cung. Bậc Tôn quý làm việc lợi ích, tốt đẹp, đạt đến địa vị Thập lực, thế lực vô song.

Như vậy này các Tỳ-kheo, Thọ thần dùng mười sáu việc khen ngợi công đức độc nhất vô nhị của Bồ-tát. Người được nghe đều vui vẻ.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

-Chư Thiên Tịnh cư dùng mười tám việc khen ngợi Bồ-tát, chê bai binh chúng của ma. Những gì là mười tám?

1. Ma bị vứt bỏ, cũng như người già bệnh không thắng được.

2. Ba-tuần quá yếu, như vách tường mục nát, hư hoại.

3. Ba-tuần, Đại Thánh một mình với chí nguyện rộng lớn mạnh mẽ, sẽ hàng phục ngươi.

4. Ba-tuần không có bạn bè, như người bệnh không có ai nuôi dưỡng.

5. Ba-tuần không có sức lực, giống như cửa ngõ bị phá.

6. Ba-tuần nay bị bỏ xa, không còn vui vẻ.

7. Ba-tuần ngày nay ở nơi đường tà, như kẻ thương gia bị lạc đường.

8. Ba-tuần bị vứt bỏ như bệnh không trừ hết.

9. Ba-tuần ngu si, chỗ ở không yên.

10. Ba-tuần bất hiếu, không biết báo ân.

11. Ba-tuần dong chạy như khi sư tử rống thú nhỏ chạy tứ tán.

12. Ba-tuần bị đuổi, như mọi người từ bỏ.

13. Ba-tuần không biết thời tiết, phước hết không còn, mọi người từ bỏ như đồ đất hết xài.

14. Ba-tuần đã bị trói buộc còn hùng hổ nói phách, sợ bị đuổi đi.

15. Ba-tuần mất các sức lực như mất đầu, tóc, tay, chân.

16. Ba-tuần vô ý như người điên mất trí.

17. Ba-tuần mê lầm không biết chỗ ở của mình.

18. Ba-tuần rong ruổi như người cuồng chạy lung tung.

Như vậy, này các Tỳ-kheo, chư Thiên Tịnh cư đem mười tám , việc chê bai Ba-tuần.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

-Chư Thiên giữ gìn vệ hộ cây Bồ-đề, đem mười sáu việc làm lu mờ ma Ba-tuần.

Những gì là mười sáu?

1. Ngày hôm nay Bồ-tát hàng phục Ba-tuần cùng các quyến thuộc.

2. Ngày nay Bồ-tát dùng thế lực lớn nhiếp phục Ba-tuần, làm cho nó suy yếu.

3. Ngày nay Bồ-tát làm cho ma Ba-tuần không biết gì cả, cũng như là ánh sáng của mặt trời che mất ánh sáng của con đom đóm.

4. Ngày nay Bồ-tát dùng quyền lực lớn của Phật, vượt hơn oai lực chư Thiên, nhổ sạch gốc rễ xấu ác.

5. Ngày nay Bồ-tát dùng sức sư tử đại oai thần của Phật hàng phục Ba-tuần, Ba-tuần như thú nhỏ rụt mình lại.

6. Ngày nay Bồ-tát làm sụp đổ hang núi ma như người có sức mạnh chặt phá cây cối.

7. Ngày nay Bồ-tát làm Ba-tuần áo não như bị đại oan gia rượt ở đồng trống.

8. Ngày nay Bồ-tát hàng phục được Ba-tuần giống như biển lớn so với lỗ chân trâu.

9. Ngày nay Ba-tuần ghen ghét Bồ-tát như ngục tù trốn thoát cho nên có lòng làm loạn.

10. Ngày nay Bồ-tát làm cho Ba-tuần mê hoặc như người giàu sang phú quý ép buộc người nghèo.

11. Ngày nay Bồ-tát phế bỏ Ba-tuần như vua phi pháp bị mất đất cũ.

12. Ngày nay Bồ-tát chiến thắng Ba-tuần như quốc gia mạnh giàu khuất phục các nước nhược tiểu.

13. Ngày nay Bồ-tát làm cho ma Ba-tuần lo buồn như người tàn phế không chạy được.

14. Ngày nay Bồ-tát khiến ma nói lời sai bậy như hải thuyền bị hư.

15. Ngày nay Bồ-tát làm cho ma bị tiêu, giống như vào thời kiếp tận cỏ cây bị thiêu rụi.

16. Ngày nay Bồ-tát phá hủy hoại Ba-tuần, giống như thế lực lớn phá hoại các học thuyết khác.

Như vậy, này các Tỳ-kheo, chư Thiên túc trực hộ vệ cây Bồ-đề, đem mười sáu việc này làm lu mờ ma Ba-tuần.

Khi ấy Tệ Ma nghe chư Thiên chí thành phân biệt hiểu rõ đầu đuôi của lời dạy nên quay về. Ma càng thêm căm giận nói với Bồ-tát:

-Mau đứng dậy chạy đi! Binh tướng của ta gồm có mười tám ức chúng đều đồng một khí thế. Khí thế và binh tướng như vậy, nếu chúng đi qua thì nguy cho thân mạng ông. Binh tướng quyến thuộc của ta sẽ thắng. Ta dứt khoát không nói lời cứu giúp ông đâu. Hãy mau mau đứng dậy chạy đi.

Bồ-tát trả lời:

-Ta như núi Tu-di không có thể lay động. Tất cả các chúng hội trong mười phương rất đông còn có thể sụp đổ. Nhưng vạn vật cỏ cây đều là chúng sinh không thể nào làm khuynh đảo tâm ta. Dù có ý muốn làm khô cạn biển lớn, nhưng không có thể nào làm tổn hại tâm ta. Không đạt được quả vị Phật, ta quyết không rời khỏi chỗ này.

Ma lại nói:

-Ta làm chủ cõi Dục, tất cả Tứ Thiên vương thiên, Đế Thích, A- tu-luân, Kiền-đà-la, Ca-lưu-la, Chân-đà-la, Ma-hưu-lặc, trong đó ta là chủ, tất cả đều thuộc về ta, không còn ai khác. Ông cũng thuộc về ta, nay muốn tự do theo ý mình hay sao?

Bồ-tát đáp:

-Ngươi là người có địa vị cao trong cõi Dục, tự cho là có oai thần, chứ chắc chắn không phái là bậc đáng tôn quý. Đó là tôn quý phi pháp. Bậc tôn quý theo đạo pháp mới gọi là tôn quý, chẳng những chỉ cõi Dục tôn quý mà tất cả tội nhân trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh cũng đều tôn quý. Đạo của ngươi chẳng phải là đạo Chánh chân Vô thượng Thánh tôn vậy! Ta chắc chắn sẽ thành Phật hàng phục tệ ma.

Ma lại bảo:

-Ngày nay Sa-môn chỉ một mình ở chốn rừng sâu, muôn đạt đến chí nguyện ấy thật là khó. Muốn lập hạnh thích đáng mà nay sắp hoại mất, làm sao đắc đạo?

Bồ-tát đáp:

-Ngươi do bỏ mất nghĩa lý cho nên mới bảo là khó đạt được. Ta không trái với thiền định, thần túc, công đức, không mất oai lực, dốc lòng siêng năng tu tập, đó chính là tinh tấn lực, không thành quả Phật ta quyết không đứng dậy.

Ma không biết hại cách nào, đứng ở trước Phật nói những lời thô ác, hoặc cho mình là trên hết, chỉ riêng một mình ở nơi đồng trông. Giống như một ngày đã hết, mười phương đều tối tăm, các ngọn đuốc sẽ chiếu sáng. Nay ta cùng đại chúng ở trước ta mà hiện nguyên hình thì chúng tôi sẽ bức hại ông. Mau đứng dậy chạy đi! Chắc chắn ông sẽ bị hại thôi. Ta sẽ nổi lên các quyền biến, ông sẽ gặp các khổ nạn. Quỷ thần nơi đây có khả năng thành lập quận huyện, do đó việc làm có thể thành tựu tự tại. Vô số các hình dạng Thiên nhân sẽ bức hiếp ông.

Bồ-tát bảo:

-Hư không còn có thể tận, gió còn có thể nắm bắt, mặt trăng không cáu bẩn, ánh sáng của nó diệt tất cả các sự tối tăm còn có thể rơi rụng. Ánh sáng có thể trở thành bóng tối, nhưng không thể nào dời ta rời khỏi gốc cây này. Ngươi muốn thành đạo đức, chỉ phô trương thế lực, không bỏ binh chúng thì chỉ khởi lên tâm thô hại. Ta thường lấy sự nhân từ nhu hòa làm gốc; ngươi quát tháo dọa nạt là trò trẻ con, hủy hoại như thế và không xả bỏ binh chúng thì chẳng thấy có biến đổi gì. Ta ở trong chúng như núi vàng ròng, giống như kho báu lớn, không một ai là không khen ngợi, như tràng hoa đẹp. Ngày nay chắc chắn ta sẽ thắng, giáo hóa chủng loại lớn, khéo léo phá hủy các binh chúng ma, chúng quỷ thần không loài nào là không quy phục. Âm thanh vượt hẳn Phạm thiên, vang khắp cả mười phương, tiếng như chim loan.

-Các thần, ác quỷ và bạn bè của chúng, Thiên thần hiện đến đứng ở trước mặt cùng khắp trong hư không đều cùng nhóm họp, khí thế mạnh mẽ, đồng đi đến chỗ gốc cây muốn phá hoại ông.

-Giả sử trong cõi đại thiên đầy khắp các hình dáng, vô số loài có quyền biến đều cầm kim cang cũng không thể nào làm động đến ta. Dầu ôm lòng ác, nắm giữ năm loại binh, ta cũng không hề sợ ngươi.

Ma cầm dao kiếm:

-Sa-môn! Mau đứng dậy dốc sức mà chạy đi cho lẹ. Nay ta dùng dao bén cắt đứt thân ông ra từng khúc.

-Giả sử ba ngàn cõi đất, nơi có cảnh giới, trong đó đều đầy cả ma, mỗi ma đều cầm kiếm, nhưng ta vẫn như núi Tu-di, không có thể nào lay động được một sợi lông của ta, huống là muốn làm hại ta ư? Tâm ta bền vững hoàn toàn không lay chuyển, thần thông chiếu sáng rực rỡ vô lượng, thân sắc vàng ròng như vàng trong lửa.

Ma vương càng thêm buồn bực, triệu tập bốn bộ binh lớn đến nhóm họp, sức mạnh vô cùng, sẽ đi đến chiến đâu. Từ xưa đến nay chưa từng thấy có việc này. Ma vương nói:

-Các người đều cùng hợp lực và sẽ đánh diệt Bồ-tát.

Bấy giờ bốn bộ binh gồm mười tám ức chúng đều biến làm hình sư tử, gấu, cọp, tê giác, voi, rồng, trâu, ngựa, chó, heo, khỉ, vượn… không thể kể xiết. Thân người đầu trùng, thân rắn hổ mang, đầu của con giải, rùa một mặt có sáu mắt, hoặc một cổ mà có nhiều đầu, răng nanh móng vuốt, vác núi, khạc lửa, sấm chớp bốn bề, cầm xà mâu, kích, giáo.

Bồ-tát từ tâm không kinh không sợ, không lay động một sợi lông, sắc diện sáng chói, càng thêm đẹp đẽ. Binh quỷ không thể đến gần. Ma vương tự đến trước vấn nạn Phật:

Tỳ-kheo cầu gì ngồi gốc cây

Thích ở rừng sâu, giữa thú độc

Mây nổi mù mịt rất đáng sợ

Thiên quỷ vây quanh chẳng hề khiếp?

Xưa có Đức Phật hành chân đạo

Thản nhiên không sợ trừ vô minh

Ngài thành tựu pháp tạng tối thắng

Ta nguyện ngồi đây diệt Ma vương

Ngài sẽ làm vua Chuyển kim luân

Bảy báu tự đến, chủ bốn phương

Hưởng thọ ngũ dục không ai bằng

Nơi đó không đạo, dậy vào cung

Ta thấy dục hại hơn nuốt đồng nung

Bỏ nước như đờm dãi, không tham

Làm vua cũng bị lo già chết

Bỏ điều không lợi, chớ nói dối.

Sao ngồi trong rừng mà lớn lối

Bỏ nước, của, ngôi, chuộng an nhàn

Không thấy ta cùng bốn bộ binh

Voi, ngựa, bộ binh mười tám ức?

Đã thấy mặt khỉ, vượn, sư tử

Hình quỷ, cọp, tê, rắn độc, heo

Đều cầm dao, kiếm và mâu kích

Nhảy vọt, gầm thét đầy hư không

Đủ ức trăm triệu thần võ?

Là ma như ngươi đến nhóm họp

Bắn tên, phóng lửa như gió mưa

Nếu không thành Phật không đứng dậy

Ma có bổn ỷ muốn ta lui

Ta cũng tự thề chẳng về không

Nay phước đức ngươi sao bằng Phật

Như vậy biết rõ ai đắc thắng

Ta từng trọn đời thích bô thí

Nên hộ sáu trời làm Ma vương

Tỳ-kheo biết phước hạnh ta xưa

Ngươi xưng vô lượng ai làm chứng?

Hạnh nguyện ta xưa từ Định Quang

Thọ ký làm Phật Thích-ca Văn

Không còn sợ hãi nên ngồi đây

Ý vững sẽ phá hoại quân ngươi

Ta từng phụng thờ nhiều chư Phật

Của báu, y thực, thường bố thí

Nhân từ, tích đức dày như đất

Không còn vọng tưởng không hoạn nạn

Bồ-tát liền đem sức trí tuệ

Duỗi tay chỉ đất biết rõ ta

Tức thời khắp đất vang động lớn

Ma cùng quan thuộc ngã lăn chiên

Ma vương thất bại buồn mất lợi

Hôn mê ngồi bệch cào trên đất

Sau đó hiểu ra mới tỉnh ngộ

Tức thời tự quy y sám hối

Ta chẳng dừng loại binh khí nào

Bình đẳng, từ tâm, lui ma oán

Đời dùng binh khí động nhân tâm

Ta đem bình đẳng cho chúng sinh

Như điều voi ngựa, tuy đã điều

Nhưng sau thói cũ gặp, lại sinh

Nếu điều rốt ráo như Phật điều

Làm như Phật dạy nhân từ khắp

Chư Thiên thấy Phật bắt chúng ma

Nhẫn, điều vô tưởng, oán, tự hàng

Chư Thiên hoan hỷ dâng hoa đến

Phi pháp vương thua, Pháp Vương thắng

Từ ý bình đẳng, sức trí tuệ

Năng lực trí tuệ dẹp điềm xấu

Hay khiến oan gia làm đệ tử

Xin lạy Bậc chứng đạo tứ đẳng

Diện như trăng tròn sắc bao dung

Danh khắp mười phương, đức như núi

Tim tướng mạo Phật khó sánh được

Nên cúi lạy Ngài, Tiên độ đời.

    Xem thêm:

  • Kinh Luân Vương Thất Bảo - Kinh Tạng
  • Kinh Ưu Bà Di Tịnh Hạnh Pháp Môn - Kinh Tạng
  • Kinh Di Lặc Hạ Sanh Thành Phật - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 40 - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 48 – Kinh Kosambiya (Kosambiya sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Diên Thọ Diệu Môn - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Thập Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Thọ Đề Già - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Tát Tòng Đâu Thuật Thiên Hàng Thần Mẫu Thai Thuyết Quảng Phổ - Kinh Tạng
  • Kinh Cửu Sắc Lộc - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Diệu Kim Cang Đại Cam Lộ Quân Nã Lợi Diệm Man Sí Thạnh Phật Đỉnh - Kinh Tạng
  • Kinh Thần Chú Thập Nhứt Diện Quán Thế Âm - Kinh Tạng
  • Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Thọ Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Thích Minh Định dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Tùy Cầu Tức Đắc Đại Tự Tại Đà-ra-ni - Kinh Tạng
  • Kinh Thiêm Phẩm Diệu Pháp Liên Hoa - Kinh Tạng
  • Kinh Vô Năng Thắng Phan Vương Như Lai Trang Nghiêm Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Pháp Thất Phật Câu Chi Phật Mẫu Tâm Đại Chuẩn Đề Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Nguyên Thuận dịch - Kinh Tạng