1
2
3
4

Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa

Việt dịch: Quảng Minh

***

Tôi nghe như vầy.

Một thời đức Bạc-già-phạm trú tại núi Thứu phong, thành Vương Xá, cùng với chúng đại Bí-sô và các Bồ-tát ma-ha-tát đều đến tụ tập. Bấy giờ, đức Thế Tôn bèn nhập tam ma địa tên là Thậm thâm minh liễu – dị môn của giáo pháp.

Vào lúc đó, Bồ-tát ma-ha-tát Quán Tự Tại khi đi vào Bát-nhã ba-la-mật sâu xa, quán sát soi thấy thể tính của năm uẩn thảy đều là Không. Khi ấy, tôn giả Cụ thọ Xá-lợi Tử nương uy lực của Phật, bạch với Bồ-tát ma-ha-tát Quán Thế Âm Tự Tại rằng: “Thưa Thánh giả! Nếu có thiện nam tử muốn tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, thì nên tu học thế nào?” Nói lời đó xong.

Bồ-tát ma-ha-tát Quán Tự Tại trả lời Cụ thọ Xá-lợi-tử rằng: “Xá-lợi Tử! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân muốn tu hành Bát-nhã ba-la-mật sâu xa, vị ấy phải quán sát như vầy: Thể tính của năm uẩn đều Không. Sắc tức là Không, Không tức là sắc. Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác sắc. Cũng lại như vậy, thọ, tưởng, hành, thức thảy đều Không.”

“Thế nên Xá-lợi Tử! Tính Không của tất cả pháp là vô tướng, không sinh không diệt, không dơ không sạch, không thêm không bớt. Thế nên, bấy giờ ở trong tính Không không sắc, không thọ, không tưởng, không hành, cũng không có thức; không nhãn, không nhĩ, không tỹ, không thiệt, không thân, không ý; không sắc, không thanh, không hương, không vị, không xúc, không pháp; không nhãn giới cho đến không ý thức giới; không vô minh và không sự diệt tận của vô minh; cho đến không lão tử và không sự diệt tận của lão tử; không khổ, tập, diệt, đạo; không quán trí, không thủ đắc và không không thủ đắc.”

“Thế nên Xá-lợi Tử! Vì không thủ đắc nên các chúng Bồ-tát y theo Bát-nhã ba-la-mật-đa thì tâm không bị chướng ngại; không bị chướng ngại thì không có khiếp sợ, vượt qua mọi điên đảo, được cứu cánh Niết-bàn. Hết thảy chư Phật trong ba đời y theo Bát-nhã ba-la-mật-đa mà chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.”

“Xá-lợi Tử! Thế nên phải biết đại mật chú Bát-nhã ba-la-mật-đa là chú rất sáng chói, là chú vô thượng, là chú không gì sánh bằng, là chú trừ được mọi khổ đau, chân thật không điên đảo. Nên biết, Bát-nhã ba-la-mật-đa là bài chú bí mật. “

Nên thuyết chú Bát-nhã ba-la-mật-đa rằng: “Nga-đế, nga-đế, ba-la-nga-đế, ba-la-tăng-nga-đế, bồ-đề sa-ha.”

“Xá-lợi Tử! Các Bồ-tát ma-ha-tát nên tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như vậy.”

Bấy giờ, đức Thế Tôn xuất khỏi định ấy, nói với Thánh giả Bồ-tát ma-ha-tát Quán Tự Tại rằng: “Lành thay! Lành thay! Thiện nam tử! Đúng thế, đúng thế! Như những điều ông tuyên thuyết. Các vị phải tu học Bát-nhã ba-la-mật-đa như vậy. Tất cả Như Lai cũng đều tùy hỷ.”

Bấy giờ, đức Bạc-già-phạm nói lời này xong, Cụ thọ Xá-lợi Tử, Thánh giả Bồ-tát ma-ha-tát Quán Tự Tại và hết thảy thế gian, Trời, Người, A-tô-la, Càn-thát-bà, v.v… nghe những điều đức Phật nói, đều rất hoan hỷ, tín thọ phụng hành.

    Xem thêm:

  • Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa – Đường Trí Huệ Luân - Kinh Tạng
  • Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đại Minh Chú Kinh - Kinh Tạng
  • Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa – Đường Huyền Trang - Kinh Tạng
  • Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa – Đường Bát Nhã Cộng Lợi Ngôn Đẳng - Kinh Tạng
  • Kinh Tinh Yếu Đế Thích Bát Nhã - Kinh Tạng
  • Tâm Kinh Phổ Biến Trí Tạng Bát Nhã Ba La Mật Đa - Kinh Tạng
  • Kinh Thánh Phật Mẫu Tiểu Tự Bát Nhã - Kinh Tạng
  • Kinh Văn Thù Sở Thuyết Tối Thắng Danh Nghĩa - Kinh Tạng
  • Kinh Bốn Pháp Của Đại Thừa - Kinh Tạng
  • Kinh Tất Đàm Phân Đà Lợi - Kinh Tạng
  • Phật Nói Văn Thù Sư Lợi 108 Danh Phạn Tán - Kinh Tạng
  • Tâm Kinh Thánh Phật Mẫu Bát Nhã Ba La Mật Đa - Kinh Tạng
  • Nhơn Vương Bát Nhã Đà La Ni Thích - Kinh Tạng
  • Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Chư Phật Tâm Ấn Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Nghi Quỹ Thành Tựu Tụng Niệm Cúng Dường Bồ Tát Cam Lộ Quân Đồ Lợi - Kinh Tạng
  • Bài chú Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Tự Tại Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Quảng Phổ Hiền Sở Thuyết - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm - Kinh Tạng
  • Kinh Bất Không Quyến Sách Chú Tâm - Kinh Tạng