Chân lý là một khái niệm trừu tượng bởi lẽ sự nhìn nhận về một vấn đề của mỗi người có những khía cạnh khác nhau. Cho nên để tìm hiểu chính xác về chân lý của vũ trụ nói chung hay của một tôn giáo nói riêng, chúng ta cần phải có những cái nhìn khách quan về sự vật và hiện tượng để từ đó hiểu rõ hơn về những khía cạnh tương đối cũng như tuyệt đối của một vấn đề.
Chân lý là gì?
Chân lý là sự thật. Theo quan điểm của Phật giáo thì chân lý được chia làm hai loại: Chân lý tương đối (Công ước), chân lý tuyệt đối.
Chân lý tương đối được một quốc gia, hay tổ chức, hoặc con người tự đặt ra những quy tắc có công ước chung để phân biệt. Và nó có thể thay đổi theo từng chế độ cũng như từng vùng miền, và từng quốc gia.
Chân lý tuyệt đối sẽ không lệ thuộc vào những khái niệm của con người đặt ra, và không thông qua ý thức của một cá nhân nào và nó không bị chi phối và thay đổi theo thời gian hay không gian.
Đạo Phật là chân lý
Cốt lỗi Phật giáo vốn là chân lý. Và các giáo lý về Phật tánh, vô ngã, niết bàn, vô thường, nhân quả, nghiệp báo…là những gì Đức Phật đã chứng ngộ và khám phá được để truyền lại đời sau, chứ không tự mình đặt ra. Và mỗi chúng ta có thể tự hoàn toàn kiểm chứng sự thật này có thay đổi hay không thông qua thời gian và không gian.
Người học Phật là học được chân lý tuyệt đối để hiểu về nó và đặt niềm tin trên bước đường tu học của mình, để không bị lệch hướng trong cuộc đời. Có thể hôm nay chúng ta chưa đủ sức để thực hiện trọn vẹn những lời dạy chân lý của Đức Phật nhưng hãy cứ chọn và từng bước đi trên con đường ấy thì chắc chắn chúng ta sẽ ngộ ra những điều quý giá và cảm nhận được sự an lạc trong tự tâm của mình.
Bài giảng Thầy Thích Phước Tiến mới nhất 2017 tại Úc Châu: Vì Sao Gọi Là Chân Lý. Thuyết giảng tại tư gia Phật tử Huệ Hằng (Melbourne, Australia), ngày 30/04/2017 (05/04/Đinh Dậu)